Thời gian qua, hàng chục hộ dân tại xã Mỹ Chánh và Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ, Bình Định) rất bức xúc khi biết được kết quả bán đấu giá rừng quy hoạch chức năng rừng phòng hộ tại địa phương mà họ bỏ công trồng và chăm sóc suốt thời gian qua.
Cụ thể, theo trình bày của 27 hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng phòng hộ tại xã Mỹ Chánh và Mỹ Chánh Tây, vào tháng 12/2021, Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Phù Mỹ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bán đấu giá diện tích rừng trồng được quy hoạch chức năng phòng hộ tại xã Mỹ Chánh và Mỹ Chánh Tây.
Nhiều hộ dân tại Mỹ Chánh và Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) đã tập trung lại để phản ánh với PV về những bất thường trong kết qủa bán đấu giá rừng mà họ được giao khoán chăm sóc
Theo đó, có 10 ha keo lai tại khu vực rừng Hố Trạnh (thôn Trung Xuân, xã Mỹ Chánh) và 17,87 ha keo lai tại tiểu khu 181 (thôn Trung Bình và Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây) được đưa ra đấu giá để khai thác gỗ.
Diện tích rừng này được các hộ dân nhận khoán trồng và chăm sóc từ năm 2008 - 2009, do Ban QLRPH huyện Phù Mỹ quản lý. Đây là lần khai thác thứ 2 tại khu vực này.
Ông Ngô Văn Chẩn, một hộ nhận khoán trồng và chăm sóc rừng tại Hố Trạnh cho biết, vào năm 2016, khi khai thác tỉa thưa lần thứ nhất (khai thác không vượt quá 20% tổng diện tích rừng), 1 ha keo lai tại khu vực Hố Trạnh được bán với giá từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng.
"Tuy nhiên, năm 2021, sau 5 năm cây keo lai đã phát triển thêm về đường kính và chiều cao, nhưng giá trúng thầu chỉ còn từ 90 triệu đồng/ha đến 120 triệu đồng/ha. Tại sao lại có sự tụt lùi về giá trong khi cây ngày càng lớn thêm", ông Chẩn đặt nghi vấn.
Đồng ý kiến, ông Trần Đăng Cảnh, hộ nhận khoán trồng và chăm sóc rừng tại tiểu khu 181 so sánh: Năm 2016, 1 ha rừng keo lai tại tiểu khu 181 có giá bán hơn 200 triệu đồng, nhưng đến năm 2021, giá trúng thầu chưa tới 100 triệu đồng/ha. Cùng khu vực rừng, cây keo lai cùng trồng năm 2008 - 2009, nhưng tại sao càng về sau cây có giá càng rẻ hơn.
"Chúng tôi nhận thấy trong việc thiết kế, tổ chức bán đấu giá rừng có sự thông đồng, sắp đặt mức giá giữa cơ quan có thẩm quyền với đơn vị trúng đấu giá để thu lợi nhuận cao, xâm phạm quyền lợi của người trồng rừng. Trong khi đó, hộ nhận khoáng chúng tôi sau khi khai thác phải nộp cho nhà nước 15%. Nộp chi phí quản lý, chi phí thiết kế là rất cao. Sau khi trừ chi phí trồng rừng lại thì chúng tôi còn lại số tiền rất ít, thậm chí không bù được công chăm sóc, trồng trọt", ông Cảnh bức xúc.
Nhiều diện tích rừng cây to nhưng giá được đấu trúng thấp bất thường
Ngoài ra, theo phản ảnh của các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng phòng hộ tại xã Mỹ Chánh và Mỹ Chánh Tây, từ năm 2015, Ban QLRPH huyện Phù Mỹ bắt đầu thu số tiền 250.000 đồng/ha từ hộ nhận khoán khi thực hiện việc trồng rừng. Đây được cho là khoản thu “hướng dẫn kỹ thuật” khi trồng rừng, nhưng việc thu tiền không có biên lai hay biên nhận gì.
Từ những bất thường này, các hộ nhận khoán trồng và chăm sóc rừng phòng hộ tại xã Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây đề nghị các ngành chức năng liên quan xem xét lại khối lượng thiết kế, trữ lượng gỗ và đơn giá khi đưa ra bán đấu giá rừng năm 2021 để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.
Theo tìm hiểu của PV, diện tích rừng phòng hộ tại đây được thiết kế để đưa ra bán đấu giá khai thác từ cuối năm 2020. Đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn lâm nghiệp miền Trung (TP.Quy Nhơn).
Tuy nhiên, đến tháng 10/2021 mới được đưa ra đấu giá. Trúng thầu khai thác là ông Phạm Đình Hòa và Đặng Văn Thanh (Công ty TNHH TH SX TM Thanh Bình).
Đáng nói, Ban QLRPH huyện Phù Mỹ không công khai thời điểm (ngày, giờ) tổ chức bán đấu giá rừng cho các hộ nhận khoán trồng rừng biết. Đặc biệt, giá bán đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, giá trúng thầu chỉ từ 90 triệu đồng/ha đến 120 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá thị trường phải từ 160 triệu đồng/ha đến 200 triệu đồng/ha.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tố, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLRPH huyện Phù Mỹ cho biết: “Tôi mới đảm nhận nhiệm vụ phụ trách Ban QLRPH được một tháng nên không nắm rõ. Việc khối lượng, trữ lượng thiết kế và tổ chức đấu giá rừng trồng phòng hộ tại xã Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây do giám đốc trước kia của Ban thực hiện. Hiện đồng chí này đã nghỉ hưu theo chế độ từ cuối năm 2021”.
Cũng theo ông Tố, hiện Ban QLRPH huyện Phù Mỹ rà soát lại các hồ sơ, thủ tục liên quan đến khối lượng, trữ lượng thiết kế và đơn giá đấu giá để xem xét, trả lời cho các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng. Còn hướng giải quyết cụ thể đối với trường hợp này như thế nào phải đợi chỉ đạo từ UBND huyện Phù Mỹ.
Liên quan việc người dân thắc mắc tại sao lại có khoản thu “hướng dẫn kỹ thuật” khi trồng rừng nhưng khi nộp tiền lại không có biên lai, ông Nguyễn Văn Tố, cho biết: “Tôi không rõ chính xác việc này là như thế nào, bởi tôi mới đảm nhận chức Phó giám đốc phụ trách tại Ban. Nhưng tôi nghĩ không có chuyện này đâu”.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận