Sau hơn nửa tháng áp dụng thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia ở 5 tỉnh thành, người dân vẫn chưa thực sự hào hứng dù lực lượng CSGT nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn.
Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật, Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay: Việc nộp phạt qua hệ thống dịch vụ công quốc gia giúp người vi phạm rút ngắn thời gian, công sức đi lại giải quyết vi phạm, đặc biệt, đối với người ở tỉnh này bị lập biên bản xử phạt ở tỉnh khác. Nộp phạt trực tuyến cũng giúp hạn chế việc đi lại, tránh lây lan dịch bệnh trong thời điểm này. Tuy nhiên, do mới triển khai nên hiện vẫn còn rất ít người vi phạm nộp phạt theo hình thức này.
Trưa 23/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Km 213+400 trên tuyến QL1A qua địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Tổ công tác của Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) dừng hàng loạt phương tiện vi phạm, trong đó lỗi bị xử phạt nhiều nhất là tốc độ.
Khi lập biên bản vi phạm với anh Phạm Đức C. (SN 1990, trú TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) vì điều khiển xe máy BKS 29K1 - 366.xx vi phạm tốc độ 70/60 km/h, Thiếu tá Vũ Đức Thịnh, Tổ trưởng Tổ công tác giải thích, lỗi vi phạm này có mức phạt thuộc thẩm quyết ra quyết định của lãnh đạo Phòng CSGT, ngoài ra người vi phạm còn bị tước GPLX.
Do đó, Thiếu tá Thịnh tuyên truyền cho anh C. biết về hình thức nộp phạt giao thông trực tuyến, hỏi ý kiến anh C. nếu muốn “ngồi nhà nộp tiền qua tài khoản, nhận lại giấy tờ tại nhà” thì CSGT ghi lại số điện thoại vào biên bản để Cổng dịch vụ công sẽ nhắn tin tới người vi phạm hoàn tất thủ tục.
Được tuyên truyền và hỏi ý kiến, anh C. cho biết, ủng hộ hình thức nộp phạt trực tuyến vì sẽ không phải quay lại trụ sở Đội CSGT số 8 giải quyết vi phạm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 này.
Tương tự, khi lập biên bản chị Lê Thị T. (SN 1995, ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) điều khiển xe máy BKS 36B - 060.xx vi phạm tốc độ 68/60 km/h, Tổ công tác cũng tuyên truyền, hướng dẫn về cách nộp phạt trực tuyến. Chị T. cho biết, nhà ở tận Thanh Hoá nên sẽ làm theo cách này, bởi theo hẹn của CSGT sau 5 ngày đến trụ sở giải quyết vi phạm sẽ rất mất thời gian.
Trung tá Nguyễn Hoài Phương, Đội trưởng Đội CSGT số 8 thông tin, đối với những vi phạm mức trên 1,2 triệu đồng, các lỗi phải tước GPLX, thì thuộc thẩm quyền ra quyết định xử phạt của Phòng CSGT và có thể nộp phạt trực tuyến. Còn với những lỗi mức phạt thấp hơn thuộc thẩm quyền của Đội, Trạm, thì thường sẽ lập biên bản, thu tiền phạt trực tiếp. Từ ngày 14/3 đến nay, qua quá trình TTKS, Đội đã ghi nhận có 14 trường hợp người điều khiển xe máy đăng ký nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hào hứng nhưng chưa mặn mà
Ngày 29/3, ông Võ Đặng Q., (trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vẫn đến trực tiếp tại trụ sở Phòng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) để làm thủ tục nộp phạt vi phạm lỗi chạy quá tốc độ. Sau khi nộp tiền phạt trực tiếp tại đây, ông Q. cho hay, có nghe qua đài báo về việc nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua mạng. “Tuy nhiên, tôi không rành về mạng internet, sợ phải rắc rối, thất lạc nên cứ nộp theo cách truyền thống”, ông Q. nói.
Theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông chỉ cần sử dụng máy tính có kết nối mạng internet, truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, vào mục nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, điền thông tin về số biên bản vi phạm hành chính, họ tên, điện thoại, địa chỉ, hành vi vi phạm... và chọn ngân hàng để nộp phạt.
Thời điểm PV có mặt tại khu vực làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính của Phòng CSGT Đà Nẵng, lượng người trực tiếp đến nộp tiền, làm thủ tục xử lý vi phạm giao thông vẫn khá đông. Nhiều người vi phạm chờ nộp phạt ở đây cũng chung tâm trạng như ông Q., sợ không rành về mạng, sợ thao tác sai, sợ giấy tờ, tiền nộp phạt thất lạc… nên vẫn nộp trực tiếp dù mất thời gian, công sức đi lại.
Theo Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, sau gần 2 tuần (từ ngày 14 - 27/3) triển khai dịch vụ công thu tiền nộp phạt qua mạng của người vi phạm, đến nay mới có 7 trường hợp vi phạm đưa lên hệ thống dịch vụ công và vẫn chưa có trường hợp nào vào Cổng dịch vụ công nộp phạt.
“Chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu về tiện ích của việc nộp phạt trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức còn mới mẻ nên cần thời gian để người dân làm quen, thích nghi”, Thượng tá Sỹ nói.
Tương tự, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, các tổ công tác của Phòng đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người vi phạm giao thông có thể chọn hình thức nộp phạt trực tuyến hoặc nộp phạt trực tiếp kiểu truyền thống. “Người dân khi được tuyên truyền, hướng dẫn rất hào hứng, nhưng có lẽ do mới áp dụng thí điểm, hơn nữa đây là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân ít ra đường, vi phạm giao thông giảm nên chưa thể có thống kê”, Thượng tá Thanh nói.
Ngày 31/3, trả lời Báo Giao thông, đại diện Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho biết, từ ngày 14/3 đến nay chưa ghi nhận trường hợp người vi phạm nào nộp phạt trực tuyến.
Tại Hải Phòng, Phòng CSGT Công an TP cho biết, từ khi triển khai đến nay, đơn vị đã nhập và in quyết định xử phạt đối với 152 trường hợp. Trong đó có 139 trường hợp đã được đưa lên cổng dịch vụ công. Tuy nhiên cho đến nay chưa có một trường hợp nào thực hiện việc nộp phạt vi phạm qua mạng. Trong thời gian tới, Phòng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hình thức hướng dẫn phù hợp giúp lái xe hiểu rõ hơn về tính ưu việt của việc nộp phạt qua mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận