Cả tuần qua, cộng đồng mạng nổi sóng với hình ảnh biển người ngồi từ ngoài đường, dưới chân cầu vượt vái vọng vào chùa Phúc Khánh (Hà Nội) cúng sao giải hạn.
Rất nhiều người có uy tín lên tiếng phản bác, chỉ trích việc này trên mạng xã hội và cả trên báo chí.
Những tưởng vì thế sẽ dần bớt những cảnh tượng không giống ai. Nhưng thực tế lại khác. Tối trước rằm tháng giêng, vài nghìn người vẫn đổ về chùa Phúc Khánh, chấp nhận ngồi giữa đường, giữa những nháo nhác tiếng người, xe cộ để tham dự lễ giải hạn. Mỗi suất 150 nghìn đồng.
Nhiều người sống trong khu vực này cho biết, số người đổ về dự lễ chẳng những không giảm mà còn tăng.
Ngay sau đó, trước sức ép từ dư luận, một lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Giáo hội Phật giáo phải lên tiếng cảnh tỉnh, thậm chí nghiêm cấm dâng sao giải hạn ở chùa.
Lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước nói vậy nhưng Giáo hội Phật giáo tiếp thu có giới hạn. Trong văn bản chính thức phát đi ngày 20/2, Giáo hội Phật giáo khẳng định cúng sao giải hạn không phải một nghi lễ Phật giáo và đề nghị các chùa tổ chức cầu an trang nghiêm, tiết kiệm. Mọi hoạt động phải hướng theo điều thiện, giúp mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, hành động chân chính.
Giáo hội Phật giáo giải thích rõ hơn “Nghi lễ dâng sao giải hạn là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng các phương tiện để tập hợp mọi người giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp”. Văn bản này cho thấy, Giáo hội Phật giáo không cấm mà chỉ đề nghị các chùa không làm "dịch vụ" và "trục lợi" mà thôi.
Có thể thấy, văn hóa người Việt là ngoài vào chùa, người dân có thể thắp hương ở khắp nơi, đền, đình, miếu mạo hay một gò đất. Chỉ cần tương truyền chỗ nào thiêng, có thể cầu xin được là xuất hiện dòng người đổ về khấn vái lễ lạt, xin sinh quý tử, xin sức khỏe, tài lộc, giải trừ điều xấu. Người ta cũng sẵn sàng thờ 4, 5 vị trên một ban thờ và không nhất thiết phải theo một tôn giáo nào.
Vì thế cũng có thể hiểu, nhà chùa khó từ chối nhu cầu của người dân muốn cúng sao giải hạn ở đây. Tuy nhiên, với giáo lý nhà Phật, tuyệt đối không nên lợi dụng nhu cầu của dân chúng để thương mại hóa, tổ chức các hình thức có dấu hiệu mê tín dị đoan, bỏ qua việc tỉnh thức mỗi người sống lương thiện, làm việc tốt, cống hiến cho xã hội.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao người ta dễ tin vào mê tín dị đoan như vậy, tại sao cầu cúng, lễ bái lan tràn khắp nơi. Có phải xã hội đang thiếu đi niềm tin vào những điều tốt đẹp và phải bấu víu vào những đấng siêu nhiên nào đó?
Thực ra, dân dễ tin không phải là điều đáng lo, đáng lo là có chỗ để dân tin hay không?
Những chỗ dân tin có thực hành đúng đạo (đạo lý, đạo nghĩa, đạo giáo...) hay không?
Và quan trọng hơn là cơ chế giám sát, điều chỉnh của xã hội với những biểu hiện chệch chuẩn, lệch lạc như thế nào khi nó đang diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận