Người dân dừng, đỗ ô tô, tụ tập trên cầu Bến Thủy đòi chủ đầu tư miễn giám phí khiến giao thông qua ách tắc (ảnh chụp sáng 3/12, ảnh: TT) |
Huy động vốn tư nhân đầu tư hạ tầng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong bối cảnh vốn trong nước khó khăn. Riêng với lĩnh vực GTVT, nhiều dự án được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa khi đưa vào khai thác góp phần nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc và TNGT, đồng thời thúc đẩy KT-XH phát triển. Nguyên tắc đối với các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT là sau khi công trình hoàn thành, nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí để hoàn vốn. Trong đó, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng được hoàn trả trước, vốn chủ sử hữu của nhà đầu tư sẽ trả sau bằng nguồn thu phí.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số dự án BOT giao thông xảy ra tình trạng nhiều người dân tập trung phương tiện, gây cản trở giao thông, làm mất an ninh trật tự để phản đối công tác thu phí của nhà đầu tư. Điển hình, tại các dự án BOT tránh TP.Vinh - QL1 Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh, QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, cầu Hạc Trì, trạm BOT QL32 Tam Nông,…
Cụ thể, sáng qua 19/3, nghe tin chuẩn bị có đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra các dự án BOT, hàng chục người dân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đưa hàng chục xe ô tô lên đầu cầu Bến Thủy 1 (bắc qua sông Lam nối hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) để yêu cầu Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4 – chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh TP.Vinh và QL1 Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh) phải giảm phí vì cho rằng họ không đi đường nhưng vẫn phải trả phí. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, trước đó trong tháng 12/2016, trong nhiều ngày liên tiếp người dân tập trung hàng chục phương tiện trên cầu để phản đối thu phí, gây ách tắc và cản trở giao thông khu vực này.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CIENCO4 cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, nhà đầu tư đang thực hiện xây dựng phương án giảm giá vé cho các hộ dân sông xung quanh trạm thu phí cầu Bến Thủy. “Tuy nhiên, chúng tôi không thể quyết định việc tăng hay giảm mức phí, bởi việc này cần có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền”, ông Huỳnh chia sẻ.
Theo ông Huỳnh, nhà đầu tư đang thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng BOT. Mức thu phí, lộ trình tăng phí và vị trí đặt trạm được quy định trong hợp đồng đều được sự thống nhất và thỏa thuận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Huỳnh cho rằng, hầu hết các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ hiện nay áp dụng hình thức thu phí hở nên rất khó để đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho các phương tiện.
“Do đặc thù của các dự án, trên tuyến đường có nhiều lối ra vào, không thể thu phí kín theo km, nên có tình trạng một số phương tiện đi quãng đường ngắn nhưng phải đi qua trạm thu phí sẽ mất phí. Tuy nhiên, có nhiều phương tiện đi quãng đường dài, không qua trạm sẽ chẳng mất đồng nào”, ông Huỳnh nói và cho biết, để đảm bảo công bằng tối đa cho các phương tiện, Nhà nước đã có quy định cho phép nhà đầu tư bán vé tháng, vé quý. Khi mua vé tháng, một ngày phương tiện đi 10 lần, 20 lần nhưng cũng chỉ phải trả mức phí của một lượt.
Liên quan đến việc hỗ trợ người dân, ông Huỳnh cho biết, từ năm 2016 đến nay, Cienco 4 phải tự bỏ tiền hỗ trợ giảm giá vé cho các hộ dân sinh sống gần trạm thu phí cầu Bến Thủy. Riêng năm 2016, số tiền hỗ trợ này lên tới 3,95 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, bình quân mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng nữa. “Do chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nên nhà đầu tư không thể đưa được vào phương án tài chính của dự án, bởi nếu đưa vào là sẽ vi phạm luật”.
“Các doanh nghiệp tiên phong đầu tư BOT giao thông giai đoạn đầu, các quy định chưa có hướng dẫn cụ thể, nên vừa làm vừa phải phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách đồng nhất, rõ ràng về đầu tư theo hình thức PPP để doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư”, ông Huỳnh nói và cho biết, chính quyền các địa phương nơi có dự án cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người tham gia giao thông về hiệu quả, sự cần thiết phải đầu tư theo hình thức BOT.
“Trường hợp xảy ra tình trạng tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, cố tình chống đối tại các trạm thu phí, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Huỳnh nói thêm.
Đoàn giám sát của Quốc hội về các dự án BOT kiểm tra hiện trường dự án tuyến tránh TP.Vinh sáng nay (20/3) |
Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí cầu Bến Thủy, Bộ GTVT khẳng định, quá trình đầu tư các dự án BOT và lựa chọn trạm thu phí Bến Thủy và Bến Thủy 2 để thu phí hoàn vốn đầu tư các dự án BOT tuyến tránh TP.Vinh, dự án đầu tư nâng cấp QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh, cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc – Nam, hạng mục cầu vượt QL8B với QL1, sửa chữa cầu Bến Thủy cũ đều được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định pháp luật.
Theo Bộ GTVT, do các dự án được thực hiện qua nhiều giai đoạn ký hợp đồng BOT (hợp đồng đầu tiên từ tháng 5/2003 đến nay), một số quy định pháp luật có thay đổi như việc bỏ các trạm thu phí của Nhà nước, giữ lại các trạm thu phí BOT đang thu, các nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Báo cáo Thủ tướng về việc “có hay không có dấu hiệu lợi ích nhóm giành ưu tiên cho nhà đầu tư không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”, Bộ GTVT cho biết, quá trình triển khai các dự án qua các giai đoạn khác nhau và việc lựa chọn nhà đầu tư, vị trí đặt trạm thu phí,… đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.
“Các dự án đã được Bộ GTVT thanh tra và đã có kết luận thanh tra số 10662 ngày 12/8/2016; Kiểm toán Nhà nước có biên bản kiểm toán ngày 17/9/2010 và Văn bản 309 ngày 11/11/2014 thông báo kết luận. Tại các kết luận của Thanh tra Bộ GTVT và Kiểm toán Nhà nước không nêu các sai phạm liên quan đến lợi ích nhóm khi thực hiện dự án”, Bộ GTVT khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận