QL37B sau cải tạo, nâng cấp |
“Khi áp dụng hình thức nông thôn mới trong giải phóng mặt bằng (GPMB), nhiều dự án giao thông được người dân đồng thuận. Việc GPMB vốn rất khó trước đây đã trở nên dễ dàng”, Giám đốc Sở GTVT Nam Định Lê Nguyên Khính chia sẻ.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ
Tại buổi lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 487 đi qua ba huyện của tỉnh Nam Định vào tháng 6, việc 1.451 hộ dân nằm ven tỉnh lộ đã tình nguyện hiến hơn 129 nghìn m2 đất để mở rộng đường, trong đó 5.396 m2 đất thổ cư, đã được lãnh đạo Sở GTVT tỉnh tri ân và coi đây là sự đóng góp rất đáng trân trọng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khính cho biết, đây không phải là lần đầu tiên ở Nam Định có một dự án giao thông được người dân tự nguyện hiến đất làm đường nhanh, với số lượng nhiều như vậy. Trước đó, trên địa bàn tỉnh đã có các dự án QL37B, 38B, Tỉnh lộ 488, 488C, 487 (488B)... cũng được hàng nghìn hộ dân tình nguyện hiến đất làm đường, giúp dự án đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
"Nhờ cách làm mới, sáng tạo, vận dụng cơ chế GPMB trong xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai vượt tiến độ đề ra và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng”. Ông Lê Nguyên Khính |
Như ở dự án QL37B nối liền Thái Bình - Nam Định - Hà Nam, đi qua 6/10 huyện của tỉnh Nam Định, ngay từ khi lập dự án, tỉnh đã có chủ trương GPMB theo cơ chế xây dựng nông thôn mới, không có hỗ trợ đền bù GPMB dù tổng số hộ bị ảnh hưởng lên đến con số hàng nghìn.
Theo ông Nguyễn Hữu Hảo, Giám đốc Ban QLDA, Sở GTVT Nam Định, tuyến QL37B dài 59 km, 90% chạy qua các khu dân cư, trong đó có nhiều khu vực trung tâm huyện, đất đai đắt đỏ, hai bên nhà dân san sát như: Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, Thị trấn Ngô Đồng, huyện Hải Hậu... Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc tích cực tuyên truyền, vận động của chính quyền, đoàn thể địa phương, người dân đồng lòng tự nguyện hiến đất làm đường.
“Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL37B có ba đoạn, thì hai đoạn là thị trấn Gôi - Liễu Đề và cầu Hà Lạn - thị trấn Ngô Đồng hoàn toàn không có kinh phí GPMB khi xây dựng dự án. Riêng đoạn cầu Hà Lạn - thị trấn Liễu Đề có kinh phí GPMB nhưng kinh phí đó cũng không sử dụng hết, nhờ đó dự án đã tiết kiệm được 115 tỷ đồng”, ông Hảo kể và cho biết thêm, có những hộ dân hiến đất có cả sổ đỏ, đất của tổ tông, ông bà để lại để làm đường. Nhiều gia đình dù thuộc diện dự án xác định sẽ hỗ trợ di chuyển, dỡ tường rào, dỡ nhà, nhưng người dân vẫn tự nguyện góp sức để “giúp dự án nhanh hơn”. Nhờ đó, tiến độ của toàn dự án được rút ngắn một nửa thời gian so với yêu cầu.
Người dân thấy lợi dài lâu
Chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng cơ chế GPMB theo nông thôn mới thành công, Giám đốc Ban QLDA giao thông nông thôn 3 (Sở GTVT Nam Định) Phạm Hồng Thái cho rằng, đó là nhờ chính quyền địa phương hết lòng ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ từ cấp ủy đến ban ngành. “Khi có chủ trương làm đường, cần GPMB, huyện sẽ giao xã họp với dân, tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận cao. Lấy đa số thực hiện rồi vận động các hộ khác làm theo. Nhờ đó, người dân hiểu được hạ tầng thuận lợi, dân sinh mới phát triển, chất lượng cuộc sống của họ cũng được nâng lên, nên họ sẵn sàng chia sẻ lợi ích hiện có để đổi lấy lợi ích dài lâu hơn”, ông Thái nói.
Anh Ngô Lân, một hộ kinh doanh đồ gỗ ở thị trấn Ngô Đồng vui vẻ cho biết, đường mở rộng hơn, đẹp hơn, cửa hàng cũng có địa thế tốt hơn, tương lai con cháu dài lâu sẽ tốt hơn, thì chục m2 đất đóng góp cũng là xứng đáng. “Mình góp đất làm đường trước cửa nhà mình, cho gia đình mình và con cháu mình đi lại, làm ăn thuận tiện hơn, chứ có mất đi đâu mà so kè”, anh Lân chia sẻ.
Giám đốc Ban QLDA Nguyễn Hữu Hảo cho biết thêm, với những hộ mất quá nhiều đất, như ở QL38B ở Yên Phong (vướng 7 hộ là đất thổ cư đã có sổ đỏ nhưng dự án làm đường lấy hơi nhiều: 40-50m2/hộ), chính quyền đang xem xét, trợ giúp bằng giải pháp đất đổi đất. Theo đó, hộ mất đất sẽ được đấu thầu một lô đất ở vị trí khác, với giá của tỉnh quy định. “Tính ra như vậy, người dân vẫn có lợi hơn”, ông Hảo nói.
“Khi người dân thấy được lợi ích của mình nằm trong lợi ích chung của tập thể, họ sẽ tình nguyện hiến đất”, ông Hảo nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận