Vị trí đặt trạm thu phí Bến Thủy hiện là phương án tối ưu, nếu di dời sẽ phá vỡ quy định về khoảng cách tối thiểu (70km) giữa các trạm thu phí cùng trên một tuyến đường |
Sáng 3/12, một số người dân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đưa ôtô chặn cầu Bến Thủy 1 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh để đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc đặt trạm thu phí và mức thu phí của dự án đang áp dụng. Báo Giao thông đã trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4 – nhà đầu tư dự án) để làm rõ vấn đề này.
Hệ thống giao thông liên hoàn
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, năm 2003, với mục tiêu giảm ùn tắc và TNGT cho TP.Vinh, đồng thời mở ra hành lang phát triển các khu công nghiệp phía Tây của TP.Vinh, Bộ GTVT cho phép đầu tư dự án đường tránh TP.Vinh theo hình thức BOT với chiều dài 25,8 km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy (Km 467+056, QL1), tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng.
“Tháng 12/2005, khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí Bến Thủy cũ để thu phí hoàn vốn thay vì xây trạm thu phí mới”, ông Nghĩa nói và cho biết, mức thu phí của trạm Bến Thủy 1 được quy định theo Quyết định 46 ngày 14/7/2005 của Bộ Tài chính.
Đến tháng 9/2012, khi dự án cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh TP.Vinh, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất cho phép xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2, mức thu được áp dụng theo quy định của Quyết định 46/2005 của Bộ Tài chính để tiếp tục hoàn vốn cho dự án tuyến tránh TP.Vinh.
Tiếp đó, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về việc nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, ngày 5/9/2012, Bộ GTVT ban hành Quyết định 2118 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP.Hà Tĩnh theo hình thức BOT với chiều dài 35,1 km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng.
Đặc biệt, để tạo một hệ thống giao thông liên hoàn từ Bắc Hà Tĩnh đến Nam Nghệ An, CIENCO4 đã được Bộ GTVT cho phép đầu tư thêm ba hạng mục khác với kinh phí trên 600 tỷ đồng bổ sung vào dự án BOT tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh gồm: Cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam (435 tỷ đồng) để giải quyết ách tắc khu vực phía Tây TP Vinh và đảm bảo ATGT cho đường sắt Bắc - Nam; tiểu dự án cầu vượt QL8B với QL1 (156 tỷ đồng), dự án đầu tư sửa chữa cầu Bến Thủy cũ (17,6 tỷ đồng).
Để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh TP.Vinh và QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh và các hạng mục bổ sung, ngày 7/3/2014, Bộ Tài chính ban hành Văn bản 2895 xin ý kiến Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1.
Trong văn bản trả lời, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều thống nhất các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính về mức thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1 để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh TP.Vinh và dự án nâng cấp QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh.
Cụ thể, tại Văn bản 970 ngày 14/3/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu: “Tỉnh Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với bố cục và các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính”; Văn bản 1266 ngày 11/3/2014 của UBND Nghệ An cũng khẳng định: “Mức thu và lộ trình áp dụng cho các năm 2014 – 2015 và từ năm 2016 như trong dự thảo là phù hợp với quy định tại biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính”.
Mức phí đúng quy định, giá vé hai nhóm phương tiện đã giảm
Ngày 24/4/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 51 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1 thay thế Quyết định 46/2005 của Bộ Tài chính để hoàn vốn cho dự án Tuyến tránh TP.Vinh và dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh.
Đồng thời, Thông tư 51 cũng nêu rõ, kể từ ngày thông tư có hiệu lực (8/6/2014) đến hết ngày 31/12/2015, mức thu phí đối với các phương tiện qua trạm cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 gồm: Loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 30 nghìn đồng/lượt; Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 40 nghìn đồng/lượt...
Từ ngày 1/1/2016, các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy sẽ áp dụng mức thu phí mới. Trong đó, loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt công cộng là 45 nghìn đồng/lượt; Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 60 nghìn đồng/lượt,...
Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10/2016 của Chính phủ về việc giảm phí đối với các dự án BOT, ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 255 để sửa đổi Thông tư 51 ngày 24/4/2014 quy định mức phí mới cho hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.
Theo đó, kể từ ngày 20/11/2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thông tư 255 do Bộ Tài chính ban hành, hai trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy đã giảm giá vé cho các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các lọai xe khách vận tải hành khách công cộng từ 45.000 đồng xuống 40.000đồng/lượt) và loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 60.000 đồng xuống còn 55.000đồng/lượt. Các loại phương tiện khác còn lại còn mức phí bằng với các trạm thu phí BOT khác trên tuyến QL1.
Sau hơn hai năm đi vào khai thác, dự án nâng cấp QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP.Hà Tĩnh đã khắc phục triệt để tình trạng ách tắc và các vụ TNGT thảm khốc trên QL1 qua Hà Tĩnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương |
Không thể di dời vị trí đặt trạm
Liên quan đến vị trí của trạm thu phí Bến Thủy 1, ông Nghĩa cho biết, hiện tại trạm này cách trạm thu phí Hoàng Mai (Km383+600, QL1) 83,5km và cách trạm thu phí cầu Rác (Km 539+100, QL1) 72km, đảm bảo phù hợp về khoảng cách tối thiểu (70km) giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 1237 ngày 29/7/2015.
“Vị trí đặt hai trạm thu phí hiện nay là phương án tối ưu đã được các bộ ngành, chính quyền địa phương thống nhất trong quá trình xây dựng dự án. Việc đề xuất di dời trạm thu phí cần xem xét trên cơ sở tính ưu việt, kinh phí phát sinh, tác động đến người dân, doanh nghiệp và khả năng hoàn vốn dự án”, ông Nghĩa nói và phân tích, nếu dịch chuyển hai trạm thu phí về phía Nam tại khu vực điểm giao giữa QL8B với QL1 cũ theo đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh sẽ không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí Cầu Rác, đồng thời ảnh hưởng đến việc giao thương, phát triển kinh tế của các huyện Bắc Hà Tĩnh với Lào,...
“Nếu trạm thu phí đặt tại điểm giao giữa QL8B với QL1 cũ, người dân địa phương của huyện Nghi Xuân gặp thuận lợi là không phải trả phí khi đi sang TP.Vinh nhưng một số lượng lớn phương tiện sẽ phải mất tiền khi đi TP.Hà Tĩnh. Đặc biệt, khu vực này dân cư đông đúc, tập trung rất nhiều mỏ vật liệu xây dựng nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp trong vùng”.
Ông Nghĩa cho biết thêm, phương án dịch chuyển trạm thu phí về phía Bắc (hướng TP.Vinh) còn gặp nhiều vướng mắc hơn, bởi trước đây người dân và doanh nghiệp đã không đồng ý, đồng thời, vị trí này cũng không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí Hoàng Mai.
“Nếu đặt ở các vị trí khác sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng xe, nguồn thu không đảm bảo dẫn tới phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư không đủ trả nợ khiến ngân hàng cho vay vốn gặp rủi ro”, ông Nghĩa chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận