Những ngày qua, đàn khỉ sống lâu nay ở khu vực Toà thánh Tây Ninh liên tục vào trường học quấy phá và tấn công học sinh. Có cháu bị thương phải khâu 3 mũi.
Trước đó, ngày 23/9, đàn khỉ vào Trường mẫu giáo 19/5 và lao vào cắn ông N.T.N., nhân viên bảo vệ nhà trường. Ông N. phải may 13 mũi. Những ngày sau đó, đàn khỉ tiếp tục vào trường tấn công học sinh. Thầy cô giáo và bảo mẫu hiện luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ các cháu.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh (Sở NN&PTNT) đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, đề xuất di dời một số khỉ sống trong nội ô Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh về rừng tự nhiên.
Theo Sở NN & PTNT Tây Ninh, thời gian gần đây, đàn khỉ trong nội ô Tòa thánh Tây Ninh thường xuyên vào khu vực trường học tìm kiếm thức ăn và tấn công gây thương tích cho người, nhất là trẻ em, học sinh.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN & PTNT Tây Ninh, Sở đề xuất đưa một số con khỉ lớn, khỉ to và đặc biệt là những con hung hăng về rừng tự nhiên chứ không phải di dời 100% đàn ra khỏi nội ô Tòa thánh Cao Đài.
Nội ô Tòa thánh Cao Đài có rừng cây hẹp, không đủ không gian sinh sống cho đàn khỉ trong khi số lượng khỉ sinh sản ngày một nhiều. Theo thống kê hiện tại khu rừng này đã có hơn 100 con khỉ sinh sống.
Do đó, khu rừng không đủ diện tích phù hợp với môi trường tự nhiên của chúng. Bên cạnh đó, một số khỉ còn được người dân tự ý thả vào nội ô Tòa thánh, chúng không nhập được bầy, sống đơn độc nên rất hung dữ, nguy hiểm.
Từ nhiều năm nay, trong nội ô Tòa thánh Cao Đài thường xuyên xảy ra tình trạng khỉ tấn công khách vãng lai, giáo viên, học sinh sinh hoạt trong khu vực này. Thức ăn chủ yếu của chúng do khách thập phương cung cấp. Nhiều tháng nay do dịch Covid-19, Toà thánh vắng khách du lịch nên chúng đói và quậy phá khắp nơi.
Do đó, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh kiến nghị cho chủ trương thực hiện di dời đàn khỉ về môi trường tự nhiên, phù hợp với điều kiện sinh sống của chúng.
Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Tôn giáo có ý kiến đề nghị Hội thánh Cao Đài phối hợp để các cơ quan chức năng tổ chức di dời khỉ về rừng. Ngoài ra, tỉnh cũng giao Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch di dời khỉ về môi trường tự nhiên phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận