Ruộng đu đủ hư thối, ngã rạp, gần như mất trắng |
Hàng loạt hộ dân chưa hết bần thần, khóc ròng nhìn tiền tỷ trôi theo lũ dữ.
Ba ngày sau cơn lũ, cánh đồng rau màu Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) xơ xác, tiêu điều. Nhiều luống rau màu còn ngập xâm xấp nước, lộ gốc cây đu đủ, các loại rau thối đen. Bà Lê Thị Chín (59 tuổi, thôn Bàu Tròn, xã Đại An) nói như khóc: “Hai sào đu đủ giờ chỉ còn trơ vài gốc cây. Cả mùa vụ chăm bón, đến lúc chuẩn bị thu hoạch đón Tết thì lũ về cuốn trôi tất cả, thiệt hại hơn 30 triệu đồng”.
Nhìn 5 sào đậu cove, ớt xen canh bắp bị thối, hư hại hết, bà Nguyễn Kim Cúc (55 tuổi, thôn 5, xã Đại An) buồn bã cho biết, lũ về nhanh và dữ quá, chẳng ai kịp trở tay. Ngoài những sào đã trồng cấy từ lâu, bà Cúc vừa xuống giống hai sào đậu cove, ớt xanh, tính tiền cây giống và bạt phủ đã hơn 10 triệu đồng. “Cả năm đã thất bát, trông cả vào vụ Tết, giờ tay trắng”, bà Cúc nói.
Đại Lộc được xem là vựa rau cung cấp cho TP Đà Nẵng và các vùng lân cận với diện tích canh tác hàng năm lên đến 2.000ha. Theo các hộ dân, trước thời điểm mưa lũ vừa qua, 100% hộ đã xuống giống theo đúng lịch canh tác vụ rau Tết. Ông Lê Trọng Quốc, Giám đốc HTX Bàu Tròn cho biết, người dân đã căn thời tiết để tổ chức gieo trồng các vụ rau màu cho phù hợp. Lũ tháng 11 như năm nay hiếm khi xảy ra và không ai lường trước được. Lũ do mưa lớn một phần nhưng nếu không có tình trạng thủy điện xả tràn, lũ chồng lũ thì thiệt hại của người dân sẽ thấp hơn.
Được biết, tổng thiệt hại rau màu vụ Tết của vựa rau Đại Lộc lên đến hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, Đại Hồng là xã có diện tích rau màu bị thiệt hại nhiều nhất (200ha), Đại An (164ha), Đại Lãnh (110ha)… “Trước đó, người dân rất phấn khởi vì rau màu phát triển tốt, trông cả vào vụ Tết lấy chút lời sắm sửa. Địa phương đang thống kê, báo cáo để tỉnh có hỗ trợ cho bà con”, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàng, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Đại Lộc thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận