Dòng sông dài nhất Tây Nguyên bỗng trở thành một dòng nước nhỏ. Sa mạc hoá ngay sau đó diễn ra trên chính giữa lòng sông này… |
Vâng! Hiếm có một công trình nào ngay từ khi lập dự án đến khi hoàn thiện lại gặp phải những ý kiến phản đối như công trình Thủy điện An Khê - Ka Nak. Những cảnh báo về những hệ luỵ sẽ nảy sinh khi dự án làm thay đổi hoàn toàn điều kiện tự nhiên đã trở thành sự thực.
Kể từ khi chính thức bị chặn dòng để làm thủy điện, sông Ba - con sông dài nhất ở Tây Nguyên chảy qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã thay đổi hoàn toàn. Dòng sông dài nhất Tây Nguyên bỗng trở thành một dòng nước nhỏ. Sa mạc hoá ngay sau đó diễn ra trên chính giữa lòng sông này… Và rồi, cái gì đến đã đến! Cùng với cái nắng lịch sử, năm 2016, khoảng 450 nghìn người dân của 7 huyện chịu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Riêng đối với vụ đông xuân, trên 6,5 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 7 nghìn ha cây trồng bị hạn… Đó có lẽ là con số “tố cáo” và chứng minh rằng Thuỷ điện An Khê - Ka Nak chính là công trình “sai lầm thế kỷ”.
Thế nhưng, câu nói của ông Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển rằng, Thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả nước đúng quy trình đã khiến cho hàng vạn người dân của tỉnh Gia Lai và Phú Yên sống dưới chân đập thủy điện giận dữ.
Người dân cho rằng, cần phải xem xét lại quá trình đánh giá tác động môi trường khi xây dựng dự án của thuỷ điện này. Những nhà khoa học nào đã đánh giá tác động môi trường này? Quy trình xả nước do ai đặt ra? Có đảm bảo tính khoa học, đúng đắn hay không? Sau đó hãy bàn đến việc thực hiện đúng quy trình hay không…
Trước sự khốn đốn của người dân, một lời nói “thủy điện xả nước đúng quy trình” thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ TN&MT. Thiếu trách nhiệm với chính cương vị công tác mà ông Hiển đang nắm giữ, thiếu trách nhiệm với hàng vạn người dân Gia Lai, Phú Yên đang chịu khô hạn. Rõ ràng người dân giận dữ là đúng.
Khi phóng viên đi thực tế xuống những thôn xã ruộng đất đang nứt nẻ vì thiếu nước, nhiều đồng bào ở đây nghẹn ngào hỏi: Chính phủ nói lấy dân làm gốc, mà sao một công trình tai hại, gây khổ cho bà con như vậy hóa ra lại “đúng quy trình”, vậy thế nào mới là sai? Đúng quy trình thì tại sao dân chúng tôi phải khóc lóc, đói khổ. Phải chờ viện trợ Nhà nước?
Trả lại nước cho dòng sông Ba không chỉ là mong ước của bao người dân sinh sống tại khu vực hạ lưu của dòng sông này, vốn đã chịu cảnh khô khát trong suốt nhiều năm liền mà còn góp phần cứu lấy môi trường tự nhiên, vốn đã bị hủy hoại sau khi một dự án thủy điện đi vào vận hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận