Hiện một số địa phương không có dịch, được coi là “vùng xanh” vẫn quy định người ra vào địa bàn phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ, kể cả người đến từ vùng không có dịch.
Việc này được cho là cứng nhắc, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại.
Đông đảo người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái
Không thể về nhà dù đi từ nơi không có dịch
Khoảng 10h sáng 9/9, tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái, anh Nguyễn Văn Kiên, trú tại xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có mặt để làm xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR.
Anh Kiên cho biết, anh đang làm việc tại Nhà máy Thủy điện Văn Chấn ở xã An Lương, huyện Văn Chấn, TP Yên Bái 100km. Khoảng 20h tối hôm trước, anh nhận được tin báo ông nội qua đời ở quê nên sáng hôm sau bắt xe khách ra TP Yên Bái để lấy mẫu xét nghiệm.
Tới nơi đã hơn 10h nên anh phải chờ đợt xét nghiệm buổi chiều, đến 20h tối cùng ngày mới có kết quả.
“Sáng 9/9 mới có xe sớm về Thái Nguyên, quãng đường từ Yên Bái về Thái Nguyên qua Tuyên Quang, tôi bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính thì mới được đi qua đất Tuyên Quang để về nhà, dù tôi về từ vùng từ lâu không có dịch. Không biết có kịp về chịu tang ông nội hay không”, anh Kiên nói.
Tương tự, anh Vũ Văn Như (SN 1974), trú thị trấn Phong Thâu, huyện Phù Ninh, Phú Thọ chia sẻ: “Tôi từ nhà đến huyện Trấn Yên, Yên Bái là vùng không có dịch thăm thân, nhưng khi quay trở lại bị chốt kiểm dịch liên ngành của tỉnh Phú Thọ từ không cho vào tỉnh với lý do không có kết quả xét nghiệm PCR. Tôi buộc phải quay trở lại đây lấy mẫu, theo lịch hẹn, đến tối mới được trả kết quả để về quê”.
Để giảm chi phí mỗi lần đi sang làm ăn bên Tuyên Quang, anh Nguyễn Ngọc Quý (SN 1996), trú tại phường Đồng Tâm, TP Yên Bái còn phải chịu khó mất thời gian ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Yên Bái chờ để rủ thêm những người có nhu cầu cùng xét nghiệm mẫu gộp (mỗi lần gộp 5 người, chỉ mất 230.000 đồng thay vì làm một mình 740.000 đồng/lượt).
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ đã lập các chốt kiểm dịch liên ngành kiểm soát người ra, vào tỉnh, tất cả người qua chốt đều phải có kết quả xét nghiệm PCR trong 72 giờ, không chấp nhận kết quả test nhanh.
Bản thân PV Báo Giao thông, dù đã đặt lịch làm việc với người đứng đầu ngành Y tế Tuyên Quang, có đủ kết quả PCR âm tính, xác nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine, song cũng không thể qua được chốt kiểm dịch tại Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.
Địa phương có cứng nhắc?
Là tỉnh láng giềng với Tuyên Quang, nhưng Yên Bái lại áp dụng song song hai quy định. Trường hợp người dân vào tỉnh trong một ngày chỉ cần kết quả test nhanh 24h; sau một ngày mới phải có kết quả PCR âm tính 72 giờ.
“Đến nay, việc áp dụng quy định song song này chưa phát sinh vấn đề gì, Yên Bái vẫn đang giữ được “vùng xanh”, về cơ bản không gây phức tạp và được người dân đồng thuận”, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái chia sẻ.
Về việc một số tỉnh chỉ cho người dân (kể cả những người đến từ vùng xanh, vùng không có dịch) có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR vào địa bàn, bà Vân cho biết: “Quy định này là cứng nhắc, bản thân Bộ Y tế cũng không có quy định mà việc này do các địa phương”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang La Đăng Tái giải thích: “Sở Y tế tham mưu cho tỉnh quy định xuất phát từ nguy cơ Tuyên Quang có cả chục nghìn người đi lao động làm việc tại các địa phương khác gồm cả các tỉnh bùng phát dịch. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là muốn giữ cho tỉnh là “vùng xanh”, cũng có nhiều ý kiến đắn đo nhưng sau đó tỉnh vẫn quyết định áp dụng là vì quyền lợi cho người dân”.
Trước những thực tế mà PV đặt ra, lãnh đạo Sở Y tế Tuyên Quang cho biết, Sở đã xem xét những vấn đề phát sinh và đã có tham mưu cho UBND tỉnh để điều chỉnh theo phương án: Các địa phương “vùng xanh”, người dân tiêm đủ hai mũi vaccine có thể vào thẳng Tuyên Quang, trường hợp chưa tiêm đủ phải làm test nhanh. Trường hợp người dân đi từ vùng giãn cách phải có xét nghiệm PCR và cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Về phía lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, tỉnh đang yêu cầu Sở Y tế nghiên cứu đề xuất để điều chỉnh các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, địa phương cũng áp dụng quy định cứng phải có xét nghiệm bằng phương pháp PCR, vẫn giữ nguyên quan điểm: “Việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh đã được tỉnh Phú Thọ đưa ra bàn bạc từ nhiều ngày nay. Tuy nhiên, Sở Y tế và các ngành tham mưu đều cho rằng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh chưa hoàn toàn chính xác, nên tỉnh vẫn giữ nguyên quy định như trên”.
Tại Bắc Kạn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đưa ra lý do trước đây, một số tỉnh chấp nhận kết quả xét nghiệm test nhanh để xảy ra tình trạng nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, khó kiểm soát.
Trong khi đó, công tác phòng chống dịch tại Bắc Kạn và các tỉnh lân cận (cùng có quy định siết chặt kết quả xét nghiệm Covid-19) đều đang phòng dịch rất tốt, nên tỉnh sẽ chưa thay đổi quy định này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận