Người dân bức xúc phản ánh việc nhiều ngôi nhà bị nứt sau mỗi đợt nổ mìn phá đá |
Phá đá như phá nhà
Phản ánh với Báo Giao thông, người dân thôn Phú Mỹ 2 (xã Phước Lộc, Tuy Phước) cho biết mới đây, vào trưa ngày 10/8, nhiều ngôi nhà ở khu vực này bị rung lắc dữ dội sau 2 đợt phá đá liên tiếp trong vòng 10 phút của Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang (từ khoảng 10 giờ 55 phút đến 11 giờ 5 phút).
Được biết, tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu. “Sau đợt nổ mìn đó, nhà tôi rung lên dữ dội, rồi xuất hiện một số vết nứt. Không chỉ nhà tôi, mà nhà một số hộ trong xóm cũng chịu cảnh tương tự. Trẻ con và người già thường giật mình sau mỗi đợt phá đá như vậy. Người dân ở đây nhiều lần kiến nghị Công ty này giảm cường độ nổ mìn, tuy nhiên có vẻ họ chẳng xem ý kiến của bà con ở đây ra gì”, anh Trần Hiếu Nghĩa (xóm Miễu Tây, thôn Phú Mỹ 2) bức xúc.
Qua tìm hiểu, dọc núi Sơn Triều qua thôn Phú Mỹ 2 (xã Phước Lộc) hiện có 3 DN được cấp phép mỏ khai thác, chế biến đá xây dựng, gồm: Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Ðầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang. Trong đó, Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang là nằm gần khu dân cư hơn cả. Ngoài ra, còn có 2 trạm trộn nhựa của Công ty Minh Đạt và Công ty Nhật Minh hoạt động.
Từ ngày các DN này hoạt động, đời sống người dân ở đây bị đảo lộn. Bụi đá phát tán đi khắp nơi, bám đầy nhà cửa, cây cối khiến nguồn thức ăn của vật nuôi bị cạn kiệt dần. Nguyên nhân là trong quá trình hoạt động, các DN này không tiến hành phun nước giảm bụi. Hai trạm trộn nhựa lại đặt cách khu dân cư khoảng vài trăm mét khiến mùi hôi bốc ra rất khó chịu, những ngôi nhà ở đây luôn trong tình trạng đóng kín cửa.
Ông T.V.O (45 tuổi) bức xúc: “Họ hoạt động bất chấp ý kiến của người dân, coi thường sinh mệnh người khác. Hôm họ nổ mìn, tôi đang nằm trên võng bỗng nhà rung lên, lật tôi ngã xuống đất. Họ nổ mìn bất kể ngày đêm, sớm tối, có khi giữa trưa, có khi vào đêm khuya, nói chung họ thích nổ giờ nào họ nổ. Còn những trạm trộn của Công ty Nhật Minh và Công ty Minh Đạt lại đặt quá gần nhà tôi, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chúng tôi không hiểu tại sao trong một thời gian dài các công ty này lại không bị xử lý”.
Khói bụi bốc lên từ mỏ đá do Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang khai thác |
Người dân do không chịu nổi với cảnh bụi bẩn đến ngộp thở và thấp thỏm sống trong những căn nhà rung lắc sau những đợt nổ mìn phá đá, đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thấy động thái nào để giải quyết dứt điểm bức xúc của người dân.
Khói bụi bao vây khu vực dân cư, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân |
Vai trò của chính quyền ở đâu?
Nhiều lần kiến nghị nhưng mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy khiến người dân ở đây đang hồ nghi về một bàn tay “chống lưng” cho các DN này hoạt động sai trái. Chúng tôi tìm đến chính quyền địa phương, để tìm hiểu nguyên nhân do đâu, những vấn đền này không được giải quyết dứt điểm?
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước (Bình Định) cho hay, hiện tại huyện chưa có thiết bị quan trắc để kiểm tra và đánh giá cụ thể các chỉ số môi trường nên đơn vị sẽ báo cáo lên UBND huyện để kiến nghị Sở TN&MT để cùng phối hợp kiểm tra.
“Trước đây, trong những đợt tiếp xúc cử tri, cũng đã nghe người dân phản ánh về vấn đề này. Ở góc độ địa phương, chúng tôi sẽ tiếp nhận phản ánh của báo chí cũng như phía người dân, đồng thời sẽ cho lực lượng xuống kiểm tra”, bà Phượng nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định cũng cho biết, đã nắm được các DN hoạt động tại khu vực này. “Đơn vị sẽ cử tổ công tác về kiểm tra ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến đá của các DN nói trên. Qua kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định”, ông Vinh nói.
Núi đá tan hoang sau mỗi đợt nổ mìn |
Trong khi chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan, vẫn đang "hứa" sẽ kiểm tra và giải quyết vấn đề trên, thì hằng ngày, người dân thuộc thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2 và các vùng lân cận thuộc xã Phước Lộc (Tuy Phước, Bình Định) vẫn đang sống chung với bụi đá, ô nhiễm, và những căn nhà chực chờ đổ xuống bất cứ lúc nào vì… doanh nghiệp nổ mìn phá đá và những trạm trộn “hành dân”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận