Thế giới

Dân Mỹ tâm tư về nội các tỷ phú của ông Donald Trump

03/04/2017, 06:35
image

Không ít người lo ngại về tầm nhìn và chính sách của tầng lớp thượng lưu cai quản Nhà Trắng của ông Donald Trump.

6

Chính quyền Tổng thống Donald Trump được coi là giàu nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ

Bản công bố tài chính cá nhân của hơn 200 nhân viên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến người dân Mỹ nói riêng, thế giới nói chung phải “mắt tròn mắt dẹt” vì mức độ giàu có và quyền quý. Mặt khác, không ít người lo ngại về tầm nhìn và chính sách của tầng lớp thượng lưu cai quản Nhà Trắng.

Chính quyền giàu nhất trong lịch sử Mỹ

Báo cáo được công bố cuối tuần qua trên trang web của Nhà Trắng cho thấy, tổng tài sản của các nhân viên cấp cao dưới ông Trump gồm các thành viên nội các lên tới 12 tỷ USD, trở thành chính quyền giàu có nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ. Đáng chú ý, con gái cả Ivanka và chồng Kushner những người vốn tuyên bố sẽ làm “không công” với vị trí cố vấn cho ông Trump trong Nhà Trắng, đang hưởng thu nhập từ các bất động sản có giá từ 240 - 740 triệu USD và nhiều khoản đầu tư khác.

Ngoài các tỷ phú, chính quyền của ông Trump còn tập hợp nhiều nhân vật quyền quý như: Bộ trưởng Bộ Giáo dục Betsy DeVos (cũng là tỷ phú bang Michigan, con dâu của nhà đồng sáng lập Amway Richard DeVos). Theo Forbes, gia đình bà DeVos có tổng tài sản ròng trị giá 5,1 tỷ USD. Hay như người vừa được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Giao thông Elaine Chao, cũng là con gái của một ông chủ cỡ bự trong ngành vận tải.

Lo ngại xung đột lợi ích

Chia sẻ về báo cáo trên, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định: Bản báo cáo cho phép người dân có cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính của quan chức chính quyền. “Tổng thống đưa rất nhiều người được may mắn và thành công nhờ nước Mỹ vào hàng ngũ quan chức Chính phủ, đặc biệt là Nhà Trắng. Họ đã phải từ bỏ rất nhiều, gạt bỏ kha khá tài sản trước khi bước chân vào chính trường”.

Tuy nhiên, tờ Washington Post từng có bài viết về sự giàu có của chính quyền Trump, trong đó nhiều chuyên gia chính trị bày tỏ lo ngại rằng, tầm nhìn chính sách của đội ngũ quan chức giàu có, thuộc hàng "trâm anh thế phiệt" ở Mỹ liệu có chiếu xuống tầng lớp dân nghèo?

Bà Nicole Hemmer, trợ lý giáo sư nghiên cứu về tổng thống của Trung tâm Miller, Đại học Virginia nhận định: “Cấu trúc chính quyền này phù hợp với thông điệp của ông Trump là làm việc theo hướng khác biệt, bằng cách đưa những người ngoại đạo vào chính trường”. Nhưng bà Hemmner lo ngại chính quyền không chạm tới những vấn đề dân sinh nhức nhối, nâng mức sống cho tầng lớp dân nghèo và trung lưu tại Mỹ.

Mặt khác, nhiều người lo ngại những “công chức triệu phú” này sẽ đưa ra những chính sách có lợi cho người giàu thay vì chăm lo cho người nghèo. Ông Carnes, nhà khoa học chính trị tại Đại học Duke cho biết: “Tôi nói đây không phải chỉ trích hay âm mưu… nhưng điều quan trọng cần phải công nhận đó là tất cả quan điểm, chính sách và việc điều hành đều được hình thành dựa trên cuộc sống mà người đó trải qua. Nghiên cứu cho thấy, khi trao quyền cho một nhóm triệu phú, bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần rằng, chính sách công sẽ có lợi cho các triệu phú và những người dân còn lại sẽ phải trả giá”, ông Carnes nói.

AFP dẫn lời ông McGehee, người đứng đầu chính sách, kế hoạch và chiến lược tại Issue One - Tổ chức phi lợi nhuận nhằm hạn chế ảnh hưởng của tài chính với chính trị nhận định, thời nào, hàng ngũ công chức cũng có nhiều cá nhân giàu có. Ở mức liên bang, “giới chức quyền hành rất rộng và xa. Do đó, khả năng xung đột giữa trách nhiệm công và lợi ích riêng chắc chắn sẽ xảy ra và cần phải được giải quyết triệt để”, ông McGehee nói và đặt nghi vấn: “Liệu các quan chức trong chính quyền của ông Trump sẽ làm gì để chứng minh họ không dùng đòn bẩy của Chính phủ để làm giàu cho bản thân? Đó là câu hỏi cần phải trả lời rõ ràng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.