Nguyên nhân được cho là xuất phát từ khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú nằm ở địa phận tỉnh Ninh Bình.
Bất an vì khói bụi, sạt lở
Về lâu dài, huyện cũng đã đề xuất tỉnh kiến nghị với Trung ương bố trí xây dựng kiên cố mặt đê bối sông Đáy phía trong để đảm bảo tránh gây xói lở, nhất là vào mùa mưa lũ. Đồng thời, cũng đã báo cáo tỉnh làm việc với phía Ninh Bình để chấn chỉnh hoạt động gây ô nhiễm, có thể tạo xói lở bờ sông Đáy của KCN Khánh Phú.
Bà Trịnh Thị Kim Tình, Phó chủ tịch UBND huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
Nằm giáp ranh bên dòng sông Đáy thơ mộng, nhưng ngôi nhà của bà Trần Thị Hòa (55 tuổi, ngụ ở thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị) lúc nào cũng đóng kín cửa. Bà Hoà bức xúc: “Khổ lắm. Đến cọng rau trước khi ăn phải rửa rất lâu, ngâm nước thật kỹ mới dám cho vào nồi để nấu vì bụi than, bụi xi măng, clinke từ các nhà máy bên Ninh Bình bay sang bám đặc. Thường bắt đầu vào tháng 11, khi có gió mùa thì chúng tôi khổ nhất”.
Chỉ tay ra phía bờ sông Đáy, bà Hòa cho hay, trước kia, dân thôn Ngọc Chấn thường xuống đất bãi dưới bờ đê ven sông để trồng hoa màu, thì giờ đất bãi bị sạt gần hết, không còn chỗ trồng nữa.
Theo quan sát của PV, xã Yên Trị nằm sát mép sông Đáy đối diện với KCN Khánh Phú (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Các núi than, clinker dọc ở cảng của KCN Khánh Phú hầu như không được che chắn bạt chống bụi. Hàng ngày, lượng tàu ra vào lấy hàng, xe vận chuyển than, clinke ra các cầu cảng ở KCN này rất lớn. Khi các xe tải lên cầu đổ trực tiếp than hoặc clinker xuống tàu thì bụi tung lên mù mịt, theo gió cuốn sang bên này sông. Các nóc nhà đến cây cối, rau màu của thôn Ngọc Chấn đều phủ một lớp trắng xóa.
Ông Trần Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Bụi bặm, sạt lở khiến bà con nhân dân ở đây rất bức xúc. Có những hôm gió lớn, bụi bay khắp xã, nếu đứng ở bờ đê thì bụi bay không mở được mắt. Không những thế, việc xây dựng hệ thống cầu cảng ở KCN Khánh Phú đã khiến dòng chảy sông Đáy bị nắn, gây xói lở đất nghiêm trọng ở bờ sông phía xã Yên Trị. Xã Yên Trị trước kia có tuyến đê bối nhưng do sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã phải đắp thêm một con đê ở phía trong (cách đê bối khoảng 50-70m) và kiên cố mặt đê. Ngôi chùa Thượng Ngọc Chấn gần 400 tuổi ở bờ sông này cũng đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm xuống sông.
Sống chung với lũ?
Ông Vũ Đình Được, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trị cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra hàng chục năm nay từ khi các hệ thống cầu cảng KCN Khánh Phú đi vào hoạt động cộng thêm việc xả lũ ở thượng nguồn khiến bãi bồi bị sạt sâu vào 30m kéo dài gần 1km. Có 3.500 hộ với hơn 10.000 dân của xã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu sạt lở thêm. Riêng đối với vấn đề bụi bặm thì cứ mùa hanh khô này, hơn 200 hộ dân của thôn Ngọc Chấn bị ảnh hưởng, cuộc sống bị đảo lộn. “HĐND xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên xem xét, xử lý vì KCN không nằm trên địa bàn của Nam Định”, ông Được nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Trịnh Thị Kim Tình, Phó chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: “Thông qua ý kiến cử tri, huyện cũng đã nhiều lần xuống xã Yên Trị kiểm tra thì có thấy bụi bặm từ KCN Khánh Phú bay sang. Đối với tình trạng sạt lở tại thôn Ngọc Chấn thì khá sâu, mỗi năm sạt lở bờ từ 5-6m, về lâu dài thì tuyến đê bối sẽ mất và ảnh hưởng đến an toàn cho người dân”. “Thực trạng này, huyện cũng đã có báo cáo lên UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và đã làm việc với tỉnh Ninh Bình nhằm có hướng xử lý. Tuy nhiên, qua các báo cáo từ phía tỉnh Ninh Bình thì KCN Khánh Phú xây dựng và hoạt động theo quy định của pháp luật. Những hành vi vi phạm về môi trường, thì phía Ninh Bình bảo đã xử phạt và nhắc nhở, nên hiện huyện cũng không biết phải làm như thế nào”, bà Tình cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận