Trước đó, tháng 11/2023, UBND xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà, Kon Tum) triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (hỗ trợ bò cái sinh sản) thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Ngọk Wang huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu cấp bò cái sinh sản cho 108 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có "chiếc cần câu" để sớm ổn định cuộc sống.
Theo kế hoạch phê duyệt, mỗi con bò giống trị giá 16,5 triệu đồng, từ 17-20 tháng tuổi, nặng 1,4-1,5 tạ, với tổng kinh phí dự án 1,7 tỷ đồng.
Bò giống được Cơ sở sản xuất kinh doanh Nhân Phát (TP Kon Tum) cung ứng. Người nuôi phải trả lại 35% tương ứng số tiền khoảng 5,7 triệu đồng sau 2 năm chăm sóc.
Thế nhưng, việc xã cấp bò sinh sản tại xã này đã khiến người dân phản ứng. Nguyên do là mỗi con bò cái với giá trị từ 15,5-16,5 triệu đồng cấp cho các hộ dân trong diện hỗ trợ đều rất nhỏ.
Dân cười nhưng vẫn chê
Biết có phóng viên đến thăm nhà, chị Y Khon (37 tuổi, trú tại làng Kon Gu 2) chạy ngay ra bãi chăn thả dắt con bò vừa được xã Ngọk Wang cấp tháng trước về để cùng xem.
Chị cho biết, con bò này được xã thông báo giá 15,5 triệu đồng. Sau hai năm chăm sóc phải trả lại Nhà nước 35% giá được cấp. Có nghĩa khoảng 5,7 triệu đồng.
Được nhận bò, song gia đình chị Khon vẫn băn khoăn: "Nhà nước hỗ trợ bò cho mình để thoát nghèo, mình vui lắm. Nhưng mà hôm nhận bò cả làng không vui mà ngỡ ngàng bởi con bò trị giá 15,5 triệu đồng nhưng chỉ là... con bê con".
"Xem răng nó thấy còn non quá. Con này phải 3 năm nữa mới sinh được", chị Khon nói và cho biết thêm: "Bò này giá trong làng bán đắt lắm chỉ khoảng 8 triệu thôi. Không có giá 15, 16 triệu đâu".
Cách nhà chị Y Khon vài chục mét, chúng tôi đến căn nhà của ông A Thuật (47 tuổi).
Đợt bốc thăm nhận bò, ông Thuật may mắn được nhận con bò lớn nhất làng. Đáng tiếc, sau khoảng một tháng chăm sóc, bò bị bệnh rồi chết.
"Bò bị bệnh tiêu chảy, gia đình tôi mời thú y đến tiêm thuốc mấy ngày thì nó lăn ra chết. Gia đình báo thôn rồi xẻ thịt bán.
Do bò bị tiêm thuốc nên người dân chê và bán giá thấp hơn. Tổng số tiền bán được là 4,7 triệu đồng", ông Thuật nói và cho biết: "Giờ bò dự án cấp chết rồi, tiền bán không bao nhiêu. Không biết 2 năm nữa gia đình tôi trả lại xã 5,7 triệu đồng tiền đối ứng bằng cách gì đây".
Dẫn chúng tôi đến thăm các hộ gia đình, ông A Ký, thôn trưởng Làng Kon Gu 2 cho biết, các hộ dân ai cũng mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bò giống để làm ăn.
Thế nhưng, trái ngược với không khí vui mừng lúc trước, bà con được nhận bò từ dự án giảm nghèo mà ai cũng buồn.
Buồn vì bò quá bé, phải mất 3 năm thì mới có thể sinh sản, thêm nỗi lo lấy đâu ra 5,7 triệu đồng kịp hoàn trả lại xã tiền đối ứng.
Theo khảo sát của dân làng thì mỗi con bò xã hỗ trợ nếu mua đắt lắm cũng chỉ 8 triệu đồng.
Trả lại bò dự án để tự mua
Rời làng Kon Gu 2, chúng tôi tìm đến thôn Đăk Duông. Tại thôn này cũng có hàng chục hộ dân được cấp bò giống. Thế nhưng, có một gia đình khi nhận bò đã quyết trả lại và xin nhận tiền để tự mua bò.
Đó là gia đình của bà Y HLul (62 tuổi), gia đình bà đã thoát nghèo năm 2022. Tháng 11 vừa qua, con trai bà là A Trương và vợ là Y Hô được thông báo sẽ nhận được bò cái sinh sản giá trị 16,5 triệu đồng.
Cũng như hàng chục hộ dân tại ngôi làng này, gia đình này đã kiên quyết không nhận bò do xã cấp.
"Bò nhỏ, giá lại cao", bà HLul nói và cho biết đã yêu cầu con trai dắt bò trả lại và yêu cầu xã đưa tiền tự đi mua.
"Xã họ đưa gia đình tôi ban đầu là 8 triệu, sau đó đưa thêm 1 triệu nữa. Y Hô sau đó đã tự tìm kiếm trong làng và mua một con bò cái với giá 8 triệu đồng", bà HLul nói và dẫn chúng tôi ra bờ ao nơi con bò gia đình tự mua đang ăn cỏ cùng 2 con bò khác của người dân lân cận.
Chỉ về phía đàn bò đang gặm cỏ, bà HLul cho biết: "Hai con nhỏ là bò dự án giảm nghèo vừa được cấp đấy, mỗi con giá 16,5 triệu đồng. Còn con bò lớn là của gia đình mua với giá 8 triệu đồng".
"Các chú nhìn xem, con bò dân mua 8 triệu lại to hơn con bò được cấp giá 16,5 triệu. Lạ không?".
Mặc dù làng Đăk Duông và chính gia đình bà Y HLul đều khẳng định trả lại bò để lấy tiền sau đó tự mua. Thế nhưng, trong báo cáo của UBND xã Ngọk Wang lại báo cáo với huyện Đăk Hà là: "Gia đình chê bò nhỏ nên xã đã đổi lại bò".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Tấn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang khẳng định: "Xã đã cấp bò đảm bảo các điều kiện theo đề án được phê duyệt, bò thì đủ trọng lượng từ 1,4-1,5 tạ. Thậm chí có con bò 1,7 tạ".
"Chủ trương từ huyện, sau đó triển khai về xã. Các quy trình cấp bò cho dân đều thực hiện nghiêm túc, minh bạch", ông Khoa khẳng định.
Liên quan đến vụ việc trên, một lãnh đạo huyện Đăk Hà cho biết đã chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc kiểm tra và sớm trả lời với báo chí sau.
Cấp tốc đổi lại bò sau khi báo chí đến làm việc
Ngày 27/12, đại diện xã Ngọk Wang cho biết riêng tại thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang có 16/21 hộ đã đổi lại bò, các hộ khác không đổi nữa vì họ nuôi gần 1 tháng nay nên thấy quen rồi, muốn giữ lại tiếp tục nuôi.
Xác nhận với phóng viên, anh A Ui ở thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang cho biết thêm: "Bò trước cấp nhỏ quá có 120kg, như con bê thôi. Nay mình đổi lại con bò được hơn 170kg, bây giờ đúng là bò rồi".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận