Doanh nghiệp

Dân nghèo sập bẫy đa cấp: Công an Hà Nội vào cuộc điều tra

31/03/2016, 07:14

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Hồng Dương, Đội trưởng Đội Kinh tế thương mại xác nhận thông tin trên.

4

Cơ quan công an vào cuộc kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long

Trước thông tin Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (đa cấp Thăng Long) có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Công an Hà Nội sẽ vào cuộc điều tra. Sáng 30/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Hồng Dương, Đội trưởng Đội Kinh tế thương mại (Phòng cảnh sát kinh tế-PC46,Công an Hà Nội) xác nhận thông tin trên.

Xác minh thông tin báo chí phản ánh

Thưa ông, thời gian gần đây, báo chí phản ánh thông tin Công ty đa cấp Thăng Long bị tố lừa đảo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. PC46 đã nhận được đơn tố cáo nào liên quan tới sự việc này chưa?

Công ty đa cấp Thăng Long đăng ký trụ sở chính tại Hà Nội song lại có nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành khác. Thời gian qua, chúng tôi chưa nhận được đơn tố cáo về công ty này. Tuy nhiên, trước những thông tin báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ cho anh em vào cuộc điều tra xác minh.

Theo ông, đâu là những khó khăn khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra vi phạm về bán hàng đa cấp?

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có tới hơn 50 cơ sở kinh doanh bán hàng đa cấp, mặt khác, họ lại thường xuyên thay đổi trụ sở khiến cơ quan chức năng rất khó theo dõi và quản lý. Đặc biệt, đối với những công ty đa cấp đăng ký tại những địa phương khác, khi về Hà Nội lập chi nhánh, họ cũng chỉ cần thông báo hình thức lên Sở Công thương kiểu: “chúng tôi sẽ mở chi nhánh”, còn họ hoạt động ra sao, ở đâu thì không hề có quy định cụ thể bắt buộc phải báo cáo.

Vậy có hay không chuyện cấp phép và quản lý lỏng lẻo?

Tôi không bình luận về công tác hậu kiểm của cơ quan cấp phép. Trong quá trình vào cuộc điều tra, PC46 đã phát hiện một vài trường hợp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chưa hợp pháp song đã được phê duyệt. Cụ thể, theo quy định về thủ tục, vốn pháp định của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 5 tỷ đồng và khoản tiền này phải được ký quỹ tại ngân hàng. Tuy nhiên khi đem ra đối chiếu, ngân hàng xác nhận không có số tiền trên. Những trường hợp này chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều tra có dấu hiệu giả mạo hay không?

Đã có trường hợp phạt tới 102 triệu đồng

Thời gian qua, PC46 đã xử lý bao nhiêu vụ việc vi phạm liên quan tới bán hàng đa cấp? Mức độ xử phạt ra sao, thưa ông?

Từ năm 2015 tới nay, Đội Kinh tế thương mại PC46 đã điều tra, xử phạt hành chính 17 trường hợp vi phạm quy định về bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội, với mức phạt thấp nhất là 750 nghìn đồng và cao nhất lên tới 102 triệu đồng. Trong đó có vài trường hợp phát hiện tái phạm cũng bị xử lý. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào bị truy tố hình sự.

Những hành vi vi phạm chủ yếu như: hoạt động kinh doanh đa cấp không phép; hàng hóa không rõ nguồn gốc; bán hàng không trong đăng ký; kinh doanh không đúng địa điểm; thiết lập website quảng cáo không phép; trốn thuế... Cá biệt còn có trường hợp làm giả tài liệu, con dấu quốc gia, chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn để tiếp tục điều tra làm rõ.

Rõ ràng vi phạm hoạt động kinh doanh đa cấp được cơ quan điều tra phát hiện và dư luận phản ánh đã nhiều, song chỉ bị xử phạt hành chính. Vậy trường hợp nào mới bị khởi tố?

Trường hợp bị khởi tố hình sự là khi có dấu hiệu lừa đảo, xác định được nạn nhân tố cáo. Cụ thể, trong hoạt động bán hàng đa cấp, phải chứng minh được công ty đa cấp thực hiện những hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên rất khó để chứng minh hành vi này bởi hầu hết những giao dịch trong bán hàng đa cấp đều dựa trên sự tự nguyện, thuận mua vừa bán...

Vậy theo ông, khi nào người dân nên cảnh giác, đề phòng với hoạt động bán hàng đa cấp? Dấu hiệu nào chứng tỏ đó là “bẫy đa cấp”?

Kinh nghiệm điều tra cho thấy, người dân nên cảnh giác với nhà phân phối đa cấp trước những hiện tượng sau: khuếch trương thanh thế; thổi phồng công dụng của sản phẩm; giá bán quá cao so với giá trị thực của sản phẩm; thường xuyên thay đổi trụ sở hoạt động... Đặc biệt, trước khi người dân có ý định tham gia hệ thống bán hàng đa cấp cần phải tìm hiểu kỹ tính pháp nhân của doanh nghiệp. Việc kiểm tra rất đơn giản bằng cách thông qua Sở Công thương tại địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Trước đó, Báo Giao thông phản ánh trường hợp  ông Nguyễn Văn Tần (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đã làm đơn tố cáo Công ty đa cấp Thăng Long với nội dung: cố tình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân. Theo đơn, ông Tần cho biết, ngày 1/6/2015 đã tham gia bán hàng đa cấp của Công ty đa cấp Thăng Long với tổng số tiền hơn 342 triệu đồng. Khi ông Tần đề nghị chịu lỗ 20% giá trị hợp đồng để được “thoát” nhưng phía công ty lại đòi ông phải chịu chi trả 70%. Theo ý kiến của luật sư, Công ty đa cấp Thăng Long đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp. Được biết, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang tiến hành kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long cùng với 6 DN bán hàng đa cấp khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.