Hàng nghìn người xếp hàng mua vàng cầu may trong ngày Thần Tài trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội |
Bất chấp giá lạnh và mưa phùn của tiết xuân, người dân Hà Nội đã xếp hàng từ sáng sớm ngày 10 Âm lịch (25/2) để mua được một ít vàng cầu may. Các địa phương khác dù không tấp nập như Hà Nội nhưng giao dịch cũng rất sôi động giúp doanh nghiệp vàng “ăn đủ”.
Đội mưa rét xếp hàng mua vàng
Ghi nhận ở TP.HCM, tại các nhà vàng lớn, khách hàng đã đến từ rất sớm, tấp nập mua bán. Như cửa hàng PNJ trên đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp mở cửa từ hơn 6h sáng. Những vị khách có mặt đầu tiên ngay giờ mở cửa cho biết, sợ “hết” hàng, nhất là miếng vàng có chữ “tài”, “lộc”.
Cửa hàng chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 của SJC, từ sáng sớm cũng đón nhận dòng người đông đúc tới mua. Khách muốn mua vàng miếng in hình rồng phải xếp hàng lấy số thứ tự.
Trước hiện tượng khách mua vàng sẽ lỗ nặng nếu bán ra trong ngày, ông Phạm Hải Âu, Phó chủ tịch Phú Quý cho biết, ngày Thần Tài là mua vàng về để mang lại may mắn đầu năm. Do đó, khách hàng không nên mua rồi lại bán ngay vì nếu đầu cơ thì nên mua vào những dịp khác. |
Chị Thanh, nhà ở Q.1 đưa hai bé đi mua vàng Thần Tài cho biết, chị đã gom toàn bộ tiền mừng tuổi của hai bé rồi dẫn đi mua vàng ngày Thần Tài để cầu một năm may mắn, tài lộc và… học giỏi hơn.
Tại Hà Nội, năm nay vẫn xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy để mua được vàng nhưng chỉ là thời điểm ngay khi doanh nghiệp mở cửa tại phố Trần Nhân Tông do nhiều người dân muốn mua đợt đầu. Còn lại vào các thời điểm khác trong ngày tình trạng này không xảy ra. Lượng người mua ít hơn năm trước, một số doanh nghiệp đã mở thêm điểm bán tại các khu vực khác trong nội thành Hà Nội nên không còn tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, thay vì chọn “chính chủ” SJC hay Bảo Tín Minh Châu, DOJI, năm nay nhiều người dân đã chuyển sang một số cửa hàng vàng nhỏ hơn để mua.
Tại TP Huế, ghi nhận dọc các tiệm vàng trước chợ Đông Ba và trên các tuyến đường Mai Thúc Loan, Trần Hưng Đạo…, càng gần trưa, người dân, du khách càng tập trung đổ về mua vàng, trang sức.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI chi nhánh Huế, năm nay, lượng khách đến mua vàng tăng khoảng 10-20% so với ngày vía Thần Tài năm ngoái. Tại chi nhánh SJC tại Huế, lượng khách đến mua vàng cũng tăng đáng kể so với ngày thường.
Tại Đà Nẵng, dọc tuyến đường Hùng Vương có khoảng chục hiệu vàng, công ty vàng bạc đá quý nhưng lượng người vào mua vắng. Riêng tại Trung tâm kim hoàn PNJ Đà Nẵng, từ 7h sáng cũng khá nhộn nhịp lượng người vào ra mua vàng. Cửa hàng SJC Đà Nẵng trên đường Hùng Vương lượng người ra vào mua vàng tương đối tấp nập.
Bán giá nào, phải mua giá đó
Có một thực tế mà năm nào cũng diễn ra là vào ngày Thần Tài, giá vàng “nhảy” loạn xạ mỗi nơi một giá. Tuy nhiên, trong năm nay, do lượng người đến mua không đông đến mức khiến phố xá kẹt cứng như mọi năm nên diễn biến giá vàng có tăng nhanh nhưng không đến mức “điên loạn” như các năm trước. Trong buổi sáng sớm, giá vàng của Tập đoàn DOJI tại Hà Nội được niêm yết ở mức 36,80-37,36 triệu đồng/lượng. Đến 8h30 sáng, giá bán ra đã tăng hơn 20.000 đồng/lượng lên 37,60 triệu đồng/lượng. Mức giá này đã được Doji duy trì tới cuối ngày. Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết giá vàng 36,8- 37,6 triệu đồng/lượng. Đến cuối ngày, giá vàng tại đây đồng loạt giảm 20.000 đồng/lượng về 36,6-37,4 triệu đồng/lượng. Dù vậy, giá vàng ngày Thần Tài vẫn tăng 20.000-40.000 đồng/lượng so với ngày 24/2.
Giá vàng SJC được niêm yết gần như “chốt” ở mức 36,7-37,05 triệu đồng/lượng trong buổi sáng, đến chiều chỉ nhích nhẹ lên 36,75-37,08 triệu đồng/lượng. Do đó, những người mua một lượng vàng miếng SJC tại hệ thống khác sẽ đắt hơn 250.000-550.000 đồng/lượng so với mua tại Công ty SJC. Điều này theo một lý giải là nhằm hạn chế bán vàng SJC mà tăng cường vàng thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra trong ngày Thần Tài cũng được các doanh nghiệp nới mạnh lên 700.000-800.000 đồng/lượng nhằm hạn chế khách “lướt sóng” hoặc bán ra trong ngày này.
Bên cạnh đó, tâm lý của người dân là mua vàng cầu may nên vàng nhẫn tròn trơn loại 0,5 chỉ, 1 chỉ và 2 chỉ được chọn đầu tiên do giá cả hợp lý, công chế tác thấp và khi cần bán cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, năm nay một số doanh nghiệp báo “cháy hàng” nhẫn tròn trơn tương đối sớm. Có doanh nghiệp mới mở cửa được ít lâu đã báo hết hàng nhẫn tròn. Các khách hàng sau đó được nhân viên tư vấn, gợi ý chuyển sang mua các sản phẩm đặc thù mang tính biểu tượng may mắn như Kim Tuất, Đức Mẹ Quan Âm, Tì Hưu Thiên Lộc, Kim Thiềm Chiêu Tài... với mức giá cao hơn hẳn so với nhẫn tròn, phổ biến là 37,95-38,20đồng/lượng (đã bao gồm tiền công chế tác).
Doanh nghiệp vàng “ăn đủ”
Để chuẩn bị cho ngày Thần Tài năm nay, ông Phạm Hải Âu, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Quý cho biết, đơn vị này đã “chuẩn bị số lượng hàng đủ để cung cấp cho quý khách hàng”. Còn DOJI cho biết, phấn đấu bán hết sản lượng dự kiến “tung” ra thị trường gồm 250.000 sản phẩm đồng vàng ép vỉ 999.9 (Kim Tuất cầu may, Kim Tuất chiêu tài, đồng vàng Thần Tài, Kim Ngân Tài, Nhẫn tròn trơn Lộc Phát Tài...), hơn 10.000 sản phẩm mỹ nghệ vàng Nano và 3.000 sản phẩm mỹ nghệ đúc vàng 999.9 nguyên khối.Năm ngoái, Doji đã bán được 150.000 sản phẩm các loại tính đến 20h cùng ngày; trong đó, sản phẩm gà mỹ nghệ đúc rỗng Nano va Gà đúc nguyên khối đã tiêu thụ hết. Bảo Tín Minh Châu không công bố con số cụ thể nhưng cũng cho biết lượng hàng bán ra gấp đôi năm trước… Các doanh nghiệp cho biết, nhờ mở cửa từ 6h và 6h30 sáng kéo dài xuyên trưa tới tận 20h, thậm chí tới khi hết khách giúp các doanh nghiệp tiêu thụ hết lượng hàng dự kiến.
Đại diện SJC cho hay, để chuẩn bị cho ngày Thần Tài SJC đã sẵn sàng khoảng 220.000 sản lượng khách nhau. Và với lượng khách dự kiến khách đến mua vàng ngày Thần Tài khoảng 5.000 lượt. “Riêng với ngày Thần Tài, SJC không có giờ đóng cửa mà phục vụ cho đến khi nào hết khách”, đại diện SJC nói.
Cũng theo đại diện này, tuy lượng người đến giao dịch đông nhưng đa số là mua vàng lẻ từ 0,5 chỉ, 1 chỉ nên số lượng cộng lại không nhiều. Tuy nhiên, “tích tiểu thành đại” nên đối với các doanh nghiệp vàng, dịp Thần Tài vẫn là dịp kinh doanh lớn trong năm.
Một chuyên gia ngành vàng phân tích: Khoảng 5 năm gần đây mới rộ lên ngày Thần Tài chứ trước đây có mấy ai quan tâm đến ngày này. Ban đầu những người kinh doanh mua vàng ngày Thần Tài, do đó dân ta cũng theo luôn và thành nhà nhà mua vàng cầu may.
“Với những sản phẩm dưới 1 triệu đồng tại nhiều cửa hàng là vàng 24k, vàng 18k xi thành hình ông Thần Tài khách hàng lưu ý không phải cửa hàng nào cũng thâu lại. Vì thế, mua vàng này chỉ mang tính chất cầu may mắn chứ không thể giữ như một tài sản”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, cũng có khách hàng quan niệm mua vàng ngày này nhất định phải mua ông Thần Tài nên chọn mua vàng miếng hình rồng. “Cứ mua vàng là may rồi nên tôi mua vàng miếng 1 chỉ luôn, để khi cần còn bán được”, anh Bùi Hải, quận Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận