Một số địa phương đang gặp vướng mắc về phản ứng của người dân đối với việc đền bù, hỗ trợ trong phạm vi 300m từ công trình điện gió và trong hành lang an toàn công trình điện gió.
Mới đây, Sở Công thương Gia Lai có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nhà máy điện gió Cao Nguyên I (14 trụ đã đấu nối vận hành thương mại cuối năm 2021) tạm dừng việc vận hành thử nghiệm các trụ điện gió tại nhà máy này do nhiều người dân kéo lên trụ sở UBND huyện Chư Pưh khiếu kiện và yêu cầu chủ đầu tư giải quyết xong vấn đề bồi thường mới được vận hành các trụ điện gió còn lại.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản gửi Bộ Công thương hướng dẫn, giải thích một số quy định liên quan đến vấn đề trên.
Chỉ là thỏa thuận, chưa có cơ sở để đền bù
Về việc này, Bộ Công thương cho biết Luật Đất đai có quy định về "Bồi thường về đất" (Khoản 12 Điều 3) và "Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất" (Khoản 14 Điều 3). Tức là, các đối tượng không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì về nguyên tắc sẽ thỏa thuận (nhà nước không quy định chính sách đền bù, hỗ trợ).
Do vậy, Bộ Công thương nhận định sẽ có vướng mắc khi hộ dân bị ảnh hưởng không thỏa thuận, thống nhất được với chủ đầu tư điện gió về bồi thường, hỗ trợ.
Thông tư số 02 của Bộ Công thương quy định công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Do vậy, phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió phải là 300m và người dân phải được bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi này.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể của pháp luật về "khu dân cư" và các đối tượng (nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi…) được phép tồn tại trong phạm vi 300m từ công trình điện gió và trong hành lang an toàn công trình điện gió. Điều này đồng nghĩa với việc chưa có cơ sở để có quy định về đền bù, mà hoàn toàn là thỏa thuận của nhà đầu tư và người dân.
Song, Bộ Công thương cho rằng để xảy ra tranh chấp còn do chủ đầu tư và các bên liên quan ngay từ đầu đã chưa quan tâm đúng mức, chưa nghiên cứu và thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan.
Trong đó có quy định: "Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người dân sinh sống" (nêu tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 02 của Bộ Công thương); "đảm bảo không lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung" (Khoản 11 Điều 12 Luật Xây dựng); "đảm bảo nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh" (Khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai)…
Cách nào giải quyết?
Về hướng giải quyết trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ TN&MT nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn (ngoài các công trình công cộng, quốc phòng, an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành).
Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung luật, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình Chính phủ có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió.
Việt Nam có 77 nhà máy, phần nhà máy điện gió, với tổng công suất 4.185,4MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch - dự án chuyển tiếp. Trong số này, 28 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.638MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, nhưng chưa có giá chính thức.
Hiện, một số dự án/phần dự án đã áp giá tạm (bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21: ngưỡng 1.587 với điện gió trên bờ và 1.816 đồng/kWh với điện gió trên biển) để vận hành thương mại trước khi đàm phán được giá chính thức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận