Trả lại hiện trạng đường phố trước 30/4
Sáng 12/4, ghi nhận thực tế tại công trường nhà ga Bến Thành thuộc gói thầu CP1a (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên), sau gần 5 năm thi công, không gian nhà ga metro Bến Thành (TP.HCM) đã dần hiện rõ bên dưới các tầng. Nhiều khu vực đang được hoàn thiện, kết thúc sàn đỉnh, trả lại mặt bằng khu đào hở đường Lê Lợi...
Cũng trong sáng nay tại công trình, kỹ sư Nguyễn Thế Trinh cho biết đang gấp rút san lấp mặt bằng đoạn metro ngầm từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến ga Bến Thành. Đây sẽ là đoạn đầu tiên được trả lại hiện trạng, dự kiến cuối tháng 4. Tiến độ nhà ga đến nay đã đạt hơn 86,5%, đang đi vào giai đoạn kết thúc các sàn đỉnh, chuẩn bị hoàn trả mặt bằng...
Tại công trường, ở tầng 1 nhà ga Bến Thành, công nhân đang thi công cửa lấy ánh sáng (giếng trời) hình tròn. Sau khi trả lại mặt bằng phía trên, người dân sẽ nhìn thấy nhà ga ngầm bên dưới nhờ sàn được lắp toàn bộ kính trong suốt, đây cũng chính là điểm nhấn nằm giữa trung tâm nhà ga.
Tại tầng hai, khu vực này là sân ga, nơi tàu đón và trả khách, văn phòng kiểm soát, phòng thiết bị phòng cháy chữa cháy, bơm cấp nước, phòng thiết bị hút, thông gió.
Tầng 3 gồm phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ nhân viên và ke ga tuyến 4 (trong tương lai). Tầng 4 gồm ke ga tuyến 2, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Theo thiết kế, nhà ga metro Bến Thành có chiều dài 236m, rộng 60m, sâu 32m, quy mô 4 tầng, có 6 lối lên xuống, lối số 1 và 2 tại Công viên 23/9 - Công trường Quách Thị Trang.
Lối số 3 trên đường Phan Chu Trinh, cạnh chợ Bến Thành. Lối số 4 và 5 nối trực tiếp vào tầng hầm của dự án khu tứ giác Bến Thành. Lối số 6 tại giao lộ Lê Lai - Huỳnh Thúc Kháng - Hàm Nghi.
Khu vực đường Lê Lợi, trung tâm TP.HCM được rào chắn xây dựng tuyến metro số 1 từ năm 2016, sắp được trả lại nguyên trạng.
Chờ ngày dỡ bỏ "lô cốt" để kinh doanh trở lại
Anh Hoàng Duy (44 tuổi), chủ cửa hàng văn phòng phẩm ở khu vực đường Lê Lợi (Q.1) cho biết, anh kinh doanh ở đây hơn 20 năm. Trước đây con đường này đông đúc người đi lại bậc nhất Sài Gòn. Từ khi xuất hiện lô cốt của tuyến metro số 1, dọc con đường Lê Lợi không ai đi vào, các tiểu thương kinh doanh phải trả lại mặt bằng.
"Nghe thông tin đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến ga Bến Thành sắp được trả lại hiện trạng vào cuối tháng 4, chúng tôi mừng lắm, tuy nhiên không biết có thực hiện được không, vì nhiều lần thông báo rồi đâu lại vào đó", anh Hoàng nói.
Trong suốt hơn 4 năm rào chắn phục vụ thi công ga ngầm Bến Thành, từ một tuyến đường thông thoáng, sầm uất, san sát cửa hàng, tấp nập người qua lại, đường Lê Lợi đã trở thành một trong những điểm đen ùn tắc giao thông của TP.
Tiến độ thi công của công trình này lùi lại bao nhiêu năm thì cảnh xe cộ lưu thông qua tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Pasteur ùn ứ, nhích từng chút một vào giờ cao điểm cũng theo chừng đó thời gian.
Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR), Ban đã lên kế hoạch tái lập và tháo dỡ rào chắn bên trên ga Nhà hát TP trên đường Lê Lợi, đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur.
Hiện, công tác thi công tái lập như phá dỡ sàn tạm, cắt tường vây, đắp cát, cống thoát nước... bên trên ga Nhà hát TP (đường Lê Lợi, đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur) đang khẩn trương nhằm hoàn thành việc tái lập trước 30/4.
Được khởi công từ năm 2016, ga Bến Thành giống như một khu phố ngầm, trải dài đến ga Nhà hát theo trục đường Lê Lợi xuống mặt đất. Đây là ga ngầm chính phục vụ hành khách của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và là điểm trung chuyển kết nối các tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước).
Nhà ga Trung tâm Bến Thành được thiết kế ngầm dài 236m, rộng 60m, độ sâu khoảng 32m với quy mô 4 tầng bao gồm các khu vực và phòng cần thiết để vận hành nhà ga. Nhà ga này có tổng 6 lối lên xuống.
Cùng với ga Nhà hát Thành phố, ga Ba Son, Nhà Ga trung tâm Bến Thành là một trong ba ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Trong đó Ga ngầm trung tâm có vị trí gắn kết với chợ Bến Thành, thuận tiện cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đến nay, dự án đã đạt hơn 83% và sẽ khai thác thương mại vào năm 2022.
Hình ảnh ghi nhận không khí khẩn trương trên công trường nhà ga Bến Thành tuyến metro số 1:
PV Báo Giao thông theo chân kỹ sư Nguyễn Thế Trinh xuống bên dưới công trình đang thi công
Toàn cảnh công trường nhà ga Bến Thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Nhà thầu huy động số lượng công nhân làm ngày và đêm, nỗ lực duy trì đảm bảo chất lượng kế hoạch tiến độ dự án
Cọc cừ larsen (cọc ván thép), chất liệu thép đặc, chịu lực tốt, dùng trong các công trình hạ tầng trong xử lý nền móng
Hiện tại gói thầu đang tập trung xây dựng 3 hạng mục quan trọng là cửa lấy ánh sáng, hoàn thiện sàn đỉnh và thi công các lối vào.
"Giếng trời" có đường kính 15m, rộng 176m, cao 6m
Công nhân thi công cửa lấy ánh sáng (giếng trời), sau khi trả lại mặt bằng phía trên, người dân sẽ nhìn thấy nhà ga ngầm bên dưới qua dàn kính trong suốt
Gói thầu CP1a sẽ tiếp tục thi công hàng rào, triển khai thi công giai đoạn 2 lối lên xuống F4,F5,F6 dự kiến hoàn thành trong tháng 4
Tầng B2 là kề ga tuyến 1 và tuyến 3a, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách, ngoài ra còn có văn phòng kiểm soát ke ga, phòng thiết bị phòng cháy chữa cháy và bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió…
Nắng nóng mặt bịt kín chỉ hở đôi mắt, đầm đìa mồ hôi, chị Thuỷ quê Long An làm việc nhặt thép dưới tầng hầm cho biết, công việc tuy không quá khó khăn nhưng phải cẩn thận, nếu sơ sẩy sẽ gây ra tai nạn lao động
Nhà ga ngầm Bến Thành dài 236m, rộng 60m, sâu 32m, quy mô 4 tầng, kết nối với chợ Bến Thành
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận