Báo Giao thông số ra ngày 11/5 đăng tải bài viết: “Dân sai xử tù, lãnh đạo sai lại... thăng chức”, phản ánh những sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ rõ tại Dự án Di dân, tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Trường bắn TB1) tại Bắc Giang. Sau khi Báo phát hành, tòa soạn tiếp tục nhận được thông tin phản ánh liên quan.
Bất cập chính sách bồi thường?
Trao đổi với Báo Giao thông, một số người dân phản ánh, khi triển khai dự án năm 2006, họ được cán bộ liên quan thông báo sẽ không được đền bù về đất, mỗi hộ di chuyển chỗ ở ra khỏi Trường bắn TB1 sẽ chỉ được hỗ trợ bằng tiền là 15.000.000 đồng/nhân khẩu để tìm mua đất, xây dựng nhà cửa. Đơn giá đền bù cây ăn quả cũng giảm gần một nửa so với thời điểm áp dụng từ những năm trước đó của dự án.
“Lúc đó, gia đình tôi thuộc diện hộ có nhiều đất nhất thôn với hơn 10ha đất thổ cư, vườn đồi, ruộng nương, nhà cửa nhưng do chỉ có 3 nhân khẩu vì con cái đã lập gia đình riêng, nên được đền bù vỏn vẹn 45 triệu đồng. Vì vậy đến nay, gia đình tôi không có nổi mẩu ruộng, nương nào tại nơi ở mới, nên thường xuyên lâm vào cảnh đứt bữa, con cháu phải đi khắp nơi làm thuê, kiếm sống”, ông Trần Trung Kim, chuyển từ thôn Dù, xã Kim Sơn về thôn Biển Trên, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn chán nản kể.
Một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên cũng cho biết, theo chính sách đền bù của dự án, các hộ đến nơi ở mới sẽ được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống để ổn định đời sống. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đều không nhận được khoản tiền này, thay vào đó, những các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Bắc Giang cho vay vốn từ nguồn tiền của dự án. Ngoài khoản tiền gốc, họ phải trả lãi vay hàng tháng theo quy định.
Chiếm dụng tiền hỗ trợ của người dân?
Được biết, để triển khai chương trình cho vay trên, ngày 20/5/2011, Ban QLDA Dự án Trường bắn TB1 tỉnh Bắc Giang đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh này sử dụng hơn 33,1 tỷ đồng từ nguồn vốn của Dự án Di dân, tái định cư Trường bắn TB1 cho 1.451 hộ nghèo và cận nghèo vay vốn tín dụng với lãi suất 0,65%/tháng. Trong đó, người dân phải nộp 0,325%/tháng; dự án sẽ cấp bù phần lãi suất còn lại với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng); thời gian vay là 5 năm.
Nhằm làm rõ việc tự ý chuyển khoản tiền hỗ trợ miễn phí giúp người dân ổn định đời sống sau tái định cư trong dự án sang diện cho vay tín dụng; việc sai phạm được chỉ rõ, yêu cầu thu hồi, nhưng các đơn vị liên quan vẫn giữ lại quản lý, sử dụng khoản vốn trên, PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên hệ nhưng chưa nhận được sự hợp tác của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban chỉ đạo dự án trên) cho biết, đúng là khoản tiền này được Chính phủ chuyển cho dự án để cấp, phát không cho người dân mua cây, con giống, nông cụ ổn định đời sống. Khi đó, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn nhiều lần, thống nhất, nếu phát không đến tay người dân thì họ sẽ tiêu hết nên có ý tưởng chuyển sang cho vay để người dân có trách nhiệm khi sử dụng vốn.
Cũng theo ông Hạnh, năm 2012, Thanh tra Chính phủ kết luận việc làm này là sử dụng sai nguồn vốn, có nguy cơ thất thoát vốn. “Do vậy, tôi đã chỉ đạo Ban QLDA TB1 và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang thu hồi, trả lại số tiền trên về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ theo yêu cầu. Sau đó, tôi chuyển công tác sang HĐND tỉnh nên đã ban giao lại toàn bộ dự án trên cho UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện nên không nắm được kết quả giải quyết yêu cầu thu hồi trên”, ông Hạnh nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, không những chưa thu hồi hết khoản vốn trên, UBND tỉnh Bắc Giang còn tiếp tục chuyển gần 14 tỷ đồng bị phát hiện chi trả trùng đối tượng từ dự án sang ngân hàng trên để cho vay. Thậm chí, ngày 5/2/2016, từ đề xuất của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết cho phép ngân hàng này tiếp tục quản lý, sử dụng nguồn vốn ủy thác từ Dự án TB1 để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ông Ngô Gia Khoát, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đến nay, sau nhiều lần quyết toán, chuyển trả về tài khoản Ban QLDA TB1 theo quy định, chúng tôi vẫn đang sử dụng hơn 11,2 tỷ đồng từ nguồn vốn này. Dòng tiền hiện đã được hòa chung với các nguồn vốn cho vay khác trên địa bàn tỉnh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận