Dư luận quan tâm cũng phải thôi, bởi việc cấm này liên quan tới hàng triệu người dân, không chỉ người dân sống ở Thủ đô mà cả những người thường xuyên có nhu cầu đi xe máy vào Hà Nội làm ăn buôn bán, học tập, giao lưu.
Ở Hà Nội, xe máy vẫn là phương tiện được nhiều người dân sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày. Ảnh: Tạ Hải
Và câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu cấm xe máy, người dân sẽ đi lại thế nào, đi bằng phương tiện gì? Hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đến năm 2025 liệu đã đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hay chưa?
Đối mặt với một vấn đề của cuộc sống, việc đưa ra giải pháp là cần thiết.
Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu rất sâu về vấn đề, đồng thời cần phân tích chính sách rất kỹ về giải pháp được đề ra. Câu hỏi được đề ra ở đây là mặt được, mặt mất như thế nào, liệu được có nhiều hơn mất hay không?
Cấm xe để giảm tải giao thông, ô nhiễm môi trường thì rõ rồi, nhưng giải quyết thế nào đối với nhu cầu của người dân, của phát triển kinh tế? Liệu quyết định này đã được nghiên cứu kỹ càng, có những căn cứ vững chắc để giải tỏa những băn khoăn đó hay chưa? Đến năm 2025, liệu Hà Nội có đáp ứng được các điều kiện cần thiết để cấm xe máy?
Hiện nay, mỗi ngày thành phố có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ phục vụ được trên dưới 10% nhu cầu.
Trong trường hợp TP Hà Nội cấm xe máy, khả năng người dân sẽ đổ xô đi mua ô tô, lúc đó nguy cơ ùn tắc giao thông nội đô có thể tăng gấp 3 - 4 lần so với hiện nay.
Một chiếc ô tô sẽ chiếm 5 - 7 lần diện tích xe máy, nhưng có khi chỉ có 1 người ngồi, lúc đó ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.
Trên thế giới, ô tô là phương tiện gây ùn tắc, chứ tôi chưa thấy có nước nào nói xe máy gây ùn tắc cả.
Một số nước cấm xe máy vì ảnh hưởng tới sự phát triển hiện đại của đô thị, nhưng Việt Nam còn đang nghèo, xe máy là công cụ, phương tiện để người dân đi lại, làm ăn.
Nếu một nửa xe máy ở Hà Nội này chuyển thành ô tô thì ùn tắc là không thể kiểm soát nổi.
Tại sao đề xuất cấm xe máy, nhưng tại sao không cấm ô tô trong nội đô, trong khi ô tô cũng là nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm? Tôi nghĩ rất khó để có câu trả lời thật thỏa đáng.
Việc cấm xe máy thì không phải bây giờ, mà trước đây cũng đã được Hà Nội đặt ra rồi.
Tuy nhiên, vấn đề này giờ lại được xới lại khi lộ trình sớm đến 5 năm so với dự kiến trước đây, và nhất là chúng ta lại vừa có tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác, mới nhất là thí điểm tuyến buýt điện; tới đây sẽ là metro Nhổn - ga Hà Nội.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta phát triển tốt hệ thống vận tải khách công cộng, người dân bước chân ra đường là có thể lên xe buýt, tàu điện, xe buýt nhanh với chất lượng phục vụ tốt thì chắc chắn người dân sẽ tự từ bỏ phương tiện cá nhân.
Vì thế, giải pháp căn cơ nhất vẫn là phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao, đa dạng hóa hệ thống vận tải công cộng. Nếu hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không ai dại gì phải đội nắng, đội mưa trên chiếc xe máy với đầy hiểm nguy rình rập ngoài đường cả. Theo tôi, nếu có chỉ nên là biện pháp hạn chế, thay vì cấm.
Không riêng gì cấm xe máy, mà bất kỳ chính sách nào, để một chính sách đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là chính sách đó phải được người dân ủng hộ. Muốn vậy, khi hoạch định chính sách, nhu cầu, lợi ích của người dân cần phải được cân nhắc rất kỹ.
TS. Nguyễn Xuân Thủy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận