Số người Nhật được vận chuyển bằng xe cứu thương tăng mức kỷ lục 5,62 triệu người |
Dân số già đẩy nhu cầu cấp cứu tăng cao
Nhu cầu xe cứu thương, gọi qua đường dây nóng 119, trên toàn Nhật Bản tăng nhanh tỉ lệ thuận với tốc độ già hóa dân số. Tờ Japan Times cho biết, năm 2016, dịch vụ cứu thương được yêu cầu với số lượt kỷ lục là 6,21 triệu lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2015. Số người được vận chuyển bằng xe cứu thương cũng ở mức kỷ lục 5,62 triệu người. Con số này đặc biệt tăng cao trong mùa hè vì có rất nhiều ca sốc nhiệt và thời gian đỉnh điểm cúm khi thời tiết chớm Đông.
Vì dịch vụ cứu thương phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu cấp cứu tăng cao nên thời gian trung bình xe cứu thương kịp tới nơi yêu cầu cũng chậm hơn. Năm 2015, thời gian xe cứu thương tới hiện trường là 8 phút 36 giây, chậm hơn tốc độ 10 năm trước là 2 phút.
Cơ quan chức năng Nhật Bản đặc biệt lưu tâm tới con số này vì nó có thể trở thành ranh giới giữa sự sống và cái chết trong những tình huống nguy cấp. Điển hình là một trường hợp xảy ra năm 2016, bệnh nhân 73 tuổi bị ngừng tim đã qua đời vì xe cứu thương của Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Tokyo đến muộn.
Giới chức Nhật xác định nguyên nhân chính khiến nhu cầu cứu thương tăng cao là vì dân số Nhật ngày càng già hóa tạo gánh nặng lên dịch vụ. Trong số 6,21 triệu trường hợp gọi cấp cứu năm 2016, những trường hợp ốm đột xuất chiếm 64%, bị thương chiếm 14,9%...
Gọi xe cứu thương vì miễn phí
Tuy nhiên, một khảo sát ý kiến cộng đồng đối với 1.500 người do Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Tokyo thực hiện lại chỉ ra một nguyên nhân dở khóc dở cười khác đó là: Một số người yêu cầu xe cứu thương hoàn toàn không cần thiết về mặt y học.
Đáng chú ý, 3,2% trong tổng số người được hỏi cho biết, họ không có phương tiện di chuyển nào khác nên coi xe cứu thương như xe taxi miễn phí tới bệnh viện. Hiện nay, dịch vụ xe cứu thương tại Nhật đang phục vụ miễn phí do các cơ quan phòng cháy chữa cháy của thành phố điều hành và hoàn toàn dựa trên tiền thuế đóng góp của nhân dân.
Do đó, vài năm trở lại đây, tình hình quá tải trở thành nỗi đau đầu đối với cơ quan Quản lý Thảm họa và phòng cháy chữa cháy Nhật (FDMA). Trong đó, dư luận Nhật nổ ra nhiều cuộc tranh cãi xung quanh việc có nên cho phép sử dụng miễn phí dịch vụ xe cứu thương nữa hay không.
Năm 2015, một hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Tài chính Nhật chỉ ra, cơ quan này phải chi khoản ngân sách lớn khoảng 2 nghìn tỉ yên/năm vào các hoạt động quản lý thảm họa và hỏa hoạn đồng thời đề nghị tính phí một số dịch vụ cứu thương nhằm hạn chế những trường hợp lợi dụng và sử dụng quá mức cho phép.
Trong báo cáo về y tế, hội đồng này cho biết: “Nếu tiếp tục để tình hình này tiếp diễn, chúng ta sẽ liên tục phải đối mặt với tình trạng phản ứng chậm trễ trong các trường hợp bị thương, bị ốm thực sự khẩn cấp, thậm chí có trường hợp sẽ ảnh hưởng tới mạng sống”. “Chúng ta nên cân nhắc tính phí dịch vụ với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã tính đến cách thực hiện này”, báo cáo viết.
Trên thế giới, nhiều thành phố như: New York (Mỹ), Munich (Đức), Paris (Pháp) tính phí người sử dụng xe cứu thương trực tiếp hoặc qua công ty bảo hiểm. Ở Đông Nam Á, Singapore tính phí đối với các trường hợp không khẩn cấp.
Tuy nhiên, ý kiến tính phí bị gạt lại để bàn luận thêm sau báo cáo của một hội đồng thuộc FDMA công bố vào tháng 3/2016 chỉ ra, việc tính phí sẽ tác động hoặc khiến người nghèo không thể tiếp cận dịch vụ này. Hội đồng này kết luận: “Nếu muốn tính phí những dịch vụ như xe cứu thương, Nhật cần phải thực hiện khảo sát toàn quốc trên nhiều yếu tố như đối tượng bị tính phí, có cần phải xin ý kiến của bác sĩ về các trường hợp bị tính phí hay không, tính phí bao nhiêu và cách thức thu như thế nào”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận