Chuyện dọc đường

Dân Thủ đô bao giờ hết “sống trong sợ hãi”?

16/10/2019, 06:59

Chưa bao giờ, người dân Thủ đô phải liên tiếp đón nhận nhiều hiểm họa môi trường như thời gian vừa qua.

img
Dầu thải loang vào nguồn nước của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà gây nên thảm họa người Hà Nội được cấp nước bốc mùi hôi thối suốt tuần qua

Mối lo không khí ô nhiễm chưa lắng xuống, giờ người dân lại “sống trong sợ hãi” khi nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm bởi dầu thải!

Lo lắng, hoang mang vì môi trường sống bị đe dọa, người dân càng bức xúc vì cách hành xử của doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Từ vụ cháy Rạng Đông, tình trạng ô nhiễm bụi mịn và giờ là nguồn nước bị nhiễm chất độc styren đều cho thấy một cách hành xử thờ ơ, vô trách nhiệm.

Đơn cử vụ nguồn nước sông Đà ô nhiễm, người dân phát hiện hoạt động đổ trộm dầu thải từ tối 8/10, song Công ty Cổ phần Viwaco - đơn vị cung cấp nước và Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà Viwasupco - đơn vị sản xuất nước chỉ âm thầm xử lý mà không báo cáo thành phố, không khuyến cáo người dân. Ngay cả khi người dân phát hiện nước sinh hoạt bốc mùi nồng nặc, công ty này vẫn chống chế đủ lý do. Thậm chí, kết quả xét nghiệm nước ban đầu do Viwasupco công bố vẫn cho thấy mọi chỉ số trong ngưỡng cho phép.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Hà Nội cũng lúng túng, thờ ơ một cách khó chấp nhận. Đến ngày 15/10, gần một tuần kể từ khi nguồn nước bị ô nhiễm, Hà Nội mới họp báo, chính thức khuyến cáo người dân “chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Người dân muốn nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp”.

Như vậy, trong suốt gần một tuần qua, bao nhiêu người dân không biết thông tin, vẫn sử dụng nguồn nước có chất độc hại này để ăn, uống? Nếu người dân vì sử dụng nước ô nhiễm mà ảnh hưởng đến sức khỏe, ai là người chịu trách nhiệm? Câu chuyện cháy nhà máy Rạng Đông cũng chung kịch bản: 3-4 ngày sau vụ cháy xảy ra, cơ quan môi trường mới chính thức khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng thực hiện các biện pháp phòng, chống…

Việc bưng bít thông tin đó càng đẩy người dân vào nguy hiểm vì không hề được biết để phòng bị. Thực tế nhãn tiền là hôm qua (15/10), nhiều người dân ở khu vực các tòa nhà HH, Linh Đàm bắt đầu xuất hiện bệnh ngoài da, đường ruột... Còn chưa biết những nguy cơ gì về sức khỏe chờ đợi họ do sử dụng phải nước sinh hoạt nhiễm chất độc styren.

Không ít ý kiến cho rằng, nguồn nước Hà Nội nhiễm dầu thải là một thảm họa, song vẫn còn ít nhiều may mắn bởi người dân tự phát hiện thấy dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp nguồn nước Hà Nội bị nhiễm chất độc không màu, không mùi, không vị, thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn thế! Thậm chí, ngay cả khi nguồn nước bị đầu độc, đặt trong quy trình quản lý, xử lý, khai thác nước sạch như hiện nay, thì hậu họa sẽ là khôn lường.

Tưởng rằng sau vụ cháy Rạng Đông, chính quyền các cấp của Hà Nội phải lấy đó làm một bài học sâu sắc, xây dựng những kịch bản xử lý khủng hoảng trong trường hợp xảy ra những sự cố tương tự. Nhưng không!

Với những vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe, tính mạng người dân, thành phố còn thờ ơ, thì điều gì có thể khiến họ nhiệt tình, trách nhiệm? Với những sự cố môi trường như thế này, thành phố còn lúng túng, chưa xử lý được, thì người dân liệu có thể mong chờ một chiến lược, một tầm nhìn lớn lao đưa Thủ đô đi nhanh và đi xa?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.