Những ngày gần đây, cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nhận được đơn tập thể của 21 hộ dân thuộc các buôn: Linh, Yơp, Chư Knông, Mrai (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) tố cáo một nhóm cán bộ tại xã này chặn xe chở gỗ lậu của người dân rồi dọa dẫm xử phạt để lấy tiền. Nhóm cán bộ bị tố cáo trong vụ việc trên giữ các chức vụ: Trưởng, phó trưởng công an xã, xã đội phó và thôn đội trưởng buôn Ơi Hly.
Dân vi phạm lâm luật, phải nộp phạt để cán bộ đút túi?
Những người kiến nghị trong đơn tập thể chính là những người vi phạm lâm luật, họ là những lâm tặc phá rừng lấy gỗ để đưa về làng, về nhà. Họ biết phá rừng lấy gỗ là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn đâm đơn tố cáo nhóm cán bộ vì không thể chịu nổi việc bị dọa dẫm, ép nộp tiền chung chi.
Theo đơn tố cáo của hơn 20 hộ dân xã Ia Hiao: Từ tháng 9/2018 đến tháng 10/2019, các ông Huỳnh Văn L., Trịnh Văn Tr. là Trưởng và Phó trưởng Công an xã Ia Hiao; ông Phạm Đức T., Xã đội phó xã Ia Hiao và Phan Văn C., Đội trưởng buôn Ơi Hly, xã Ia Hiao đã liên tục chặn xe chở gỗ của người dân khai thác từ rừng về làm nhà để dọa giữ xe, xử phạt nặng nhưng chỉ nhằm mục đích lấy tiền của họ.
Theo thống kê nêu trong đơn, các hộ dân vi phạm lâm luật đã “nộp phạt” với số tiền gần 75 triệu đồng. Trong đó, hộ ít nhất là 1,6 triệu đồng, hộ nhiều nhất là 11,5 triệu đồng. Nội dung đơn tố cáo nêu rõ, nhóm cán bộ này đã lợi dụng chức quyền, lấy tiền của dân một cách công khai; chỉ dọa phạt để lấy tiền mà không có một loại giấy tờ gì nên người dân bức xúc đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, ông Ksor Gri (buôn Linh nhỏ, xã Ia Hiao) cho biết, nội dung đơn cũng như bức xúc trong đơn là sự thật âm ỉ bấy lâu nay. “Biết chở gỗ là vi phạm, nhưng thà xử phạt theo đúng quy định, chứ cứ dọa dẫm rồi lấy tiền của chúng tôi nhiều lần như vậy là quá quắt lắm, chịu không nổi”, ông Gri bức xúc.
Nhiều cuộc kỳ kèo “ngã giá” với cán bộ?
Ông Gri kể, lần đầu ông chở khoảng 30 cây gỗ (cà chít, dầu, gỗ tạp khác) về làm nhà. Về đến gần làng thì bị các ông Tr., T. và C. chặn lại. Những người này đòi ông Gri đưa 10 triệu đồng mới cho xe đi, còn không thì sẽ đưa xe về UBND xã. “Tôi nói lý là gia đình nghèo lấy gỗ làm nhà, ngã giá một hồi, rồi “chốt” còn 3 triệu đồng. Nhóm này yêu cầu tôi không được nói cho ai biết”, ông Gri kể.
Còn ông Siu Ký (buôn Linh lớn) là người nộp phạt nhiều nhất trong đơn tố cáo. Ông Ký kể lại vanh vách những lần ông Tr. và T. chặn xe gỗ và những cuộc ra giá chớp nhoáng.
Ông Ký kể: Lần đầu, xe máy cày của ông chở gỗ từ rừng về để sửa lại nhà cho mẹ mình thì bị ông Tr. và T., bắt gặp. Hai cán bộ này nói sẽ đưa xe gỗ về UBND xã tạm giữ nhưng kèm theo điều kiện, nếu “nộp phạt” 8 triệu đồng thì họ thả cho xe đi. Sau khi ngã giá thì số tiền này chỉ còn 3 triệu đồng. Tương tự, lần thứ 2 ông cũng bị vòi mất 2,5 triệu đồng, lần 3, “nộp phạt” 5 triệu đồng; lần thứ 4, xe của ông chở chủ yếu là củi nên chỉ bị “phạt” 1 triệu đồng.
Ông Ký bức xúc cho rằng, số tiền “nộp phạt” của ông lên đến 11,5 triệu đồng nhưng không hề nhận được bất kỳ giấy tờ hay biên lai nộp phạt gì, cũng chẳng thấy ai bị giữ xe mà chỉ là những lời dọa phạt, có tiền nộp thì xe gỗ được tha đi.
Tương tự, ông Ksor Đại (buôn Linh lớn) xác nhận “nộp phạt” với số tiền 4,5 triệu đồng vào tháng 10/2019; ông Rơ Mah Chiên (buôn Chư Knông) “nộp phạt” với số tiền 5 triệu đồng tháng 9/2019…
Công an vào cuộc
Ông Trịnh Xuân Cầu, Bí thư Đảng ủy xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện xác nhận đã kiểm tra trong đơn vị và Công an huyện cũng đã vào cuộc điều tra. “Chúng tôi đang chờ kết luận điều tra của Công an huyện, khi có kết quả cụ thể, nếu đảng viên vi phạm, Đảng ủy xã sẽ xử lý đúng người, đúng tội, không bao che”, ông Cầu nói.
Ngày 17/11, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Huỳnh Văn Long, Trưởng công an xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện xác nhận việc tố cáo của người dân đang được công an huyện xử lý: “Hiện đang chờ kết luận và cũng không nói trước được điều gì đâu. Người dân tố cáo không đúng. Về gốc độ bản thân, mình thừa nhận là không lấy tiền của người dân”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận