Người dân Triều Tiên tụ tập tại Quảng trường Kim Il Sung để xem pháo hoa |
Không kéo dài như Tết cổ truyền tại Việt Nam, dịp này tại Triều Tiên thường chỉ kéo dài hai ngày - mùng 1 và mùng 2 tháng Một. Trước đó khoảng một tuần, các cửa hàng và nhà hàng Triều Tiên bận "tối mắt" để phục vụ nhu cầu tăng vọt. Đây là lúc người dân Triều Tiên thường sắm sửa rất nhiều đồ, thực phẩm, quà cáp và chuẩn bị cho bữa tất niên.
Một du khách Nga từng có dịp thăm Triều Tiên kể lại: "Nếu so sánh với nước Nga, dịp lễ tết tại Triều Tiên rất khác biệt. Đêm năm mới, bạn sẽ rất khó bắt gặp người dân đi lại trên đường phố hay các hoạt động bắn pháo hoa tưng bừng. Chỉ tại khu vực trung tâm, chính phủ mới tổ chức bắn pháo hoa. Do đó, gần như tất cả người dân đều quây quần bên bàn ăn ấm cúng". Sáng ngày đầu tiên năm mới, Triều Tiên có phong tục, con cái phải quỳ lạy bố mẹ, chúc mừng năm mới. Tiếp đó, trong hai ngày, người dân Triều Tiên tổ chức nhiều hoạt động: chơi các trò chơi truyền thống như kéo co, thả diều và chơi con quay.
Đây cũng là dịp người dân Triều Tiên kéo nhau về Quảng trường Kim Il Sung theo từng nhóm nhỏ hoặc đi theo gia đình, mang hoa, tưởng niệm tại tượng đài và chụp ảnh kỷ niệm. Nhân dịp này, chính phủ Triều Tiên cũng tổ chức rất nhiều chương trình ca nhạc lớn. Đặc biệt, chương trình đại nhạc hội lớn nhất được tổ chức vào ngày 31/12 với sự tham gia của Chủ tịch nước và các quan chức cấp cao. Cùng với đó, đường phố Triều Tiên treo đầy các biển hiệu chúc mừng năm mới và khẩu hiệu cổ động mang đậm tính yêu nước. Thậm chí, ở một số thành phố lớn, người ta còn tổ chức các cuộc tuần hành lớn, tạo động lực để thực hiện các nhiệm vụ đã được giao trong năm tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận