Mức đóng bảo hiểm xã hội của người dân và doanh nghiệp Việt đang cao nhất khu vực ASEAN (Ảnh minh họa) |
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, trong khi cuộc sống người lao động còn khó khăn, doanh nghiệp (DN) chưa thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Cụ thể, hiện nay tỷ lệ BHXH mà các doanh nghiệp phải đóng là 22% mức thu nhập người lao động (trong đó BHXH là 18%, bảo hiểm y tế (BHYT) 3% và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 1%) và người lao động phải đóng 10,5%. Như vậy, cả người lao động và doanh nghiệp phải đóng cho quỹ BHXH tổng cộng 32,5%, nếu tính cả kinh phí công đoàn thì con số lên 34,5%.
Trong khi đó, các nước cùng khu vực ASEAN như Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%, các nước còn lại trong khu vực còn thấp hơn, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 6/2016, việc thay đổi cách tính lương để đóng BHXH (tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương và phụ cấp lương thay vì lương cơ bản như trước đây - PV) giúp mức thu tăng khá mạnh, đạt 115,89 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,4%). |
Trước thực tế đóng BHXH cao nhất khu vực hiện nay, nhiều DN đã bày tỏ lo ngại việc này không chỉ tạo gánh nặng lên cả người lao động và người sử dụng lao động mà còn triệt tiêu sức cạnh tranh của DN Việt trong bối cảnh hội nhập khi các nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn nhiều.
Và điều đáng lo ngại hơn cả là mức đóng cao như vậy sẽ dẫn tới tình trạng lao động sẽ chuyển sang các công ty trốn đóng BHXH để được hưởng mức lương cao hơn.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời tờ Tiền Phong, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam lý giải, hiện BHXH được tính trên nguyên tắc đóng - hưởng. “Dù mức đóng BHXH Việt Nam hiện cao, nhưng mức hưởng cũng cao, nên khó so sánh với các nước. Khi Việt Nam mức hưởng lương hưu là 75% của lương tính đóng BHXH, trong khi các nước khác tính lương hưu trên tỷ lệ đóng”, ông Liệu nói.
Theo ông Liệu, tuổi thọ trung bình người Việt đã tăng lên 73 tuổi, nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn giữ mức 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam, nên thời gian hưởng lương hưu cũng tăng, gây sức ép lên Quỹ BHXH.
“Mức đóng cao trên nền lương thấp nên con số tuyệt đối vẫn là thấp, điều này gây bất cập nên phải thay đổi cách tính lương để làm cơ sở đóng BHXH”, ông Liệu nói.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng thừa nhận, mức đóng BHXH hiện nay tương đối cao, nên cả DN và người lao động (NLĐ) đều có nguyện vọng giảm.
“Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu trên góc độ lợi ích NLĐ, khi thu nhập của NLĐ còn thấp, cuộc sống trước mắt vẫn khó khăn, nên cả DN và NLĐ đều muốn đóng BHXH mức thấp. Ngoài ra, mức đóng cao sẽ ảnh hưởng tới việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nên phải cân nhắc lại”, ông Quảng nói.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận