Khi biết dân đã xây nhà, nhà tài trợ là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam lại không hỗ trợ nữa vì… không đúng cam kết.
Thiên tai vừa qua, nợ nần ập đến
Trong căn nhà mới xây dựng còn thơm mùi gỗ nằm trên ngọn đồi tại bản Na Nhu 1, ông Mong Văn Hội (SN 1975), đứng tựa cửa, khuôn mặt buồn rầu kể, nhà ông trước đây ở ngay dưới sát khe nước Na Nhu. Thế nhưng, đợt mưa lũ hồi tháng 8/2018 đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản. Sau đó, cán bộ xã và Hội chữ thập đỏ huyện vào khảo sát và hứa hỗ trợ 50 triệu làm nhà. Nhưng chờ mãi, qua Tết Âm lịch 2019 cũng không thấy đâu. Cả nhà 5 người ở trong cái lán tạm mãi cũng không được nên quyết định bán 6 con bò và vay thêm 43 triệu tiền ngân hàng để làm nhà.
“Ngoài 43 triệu tiền nợ ngân hàng, tôi còn phải nợ 7 triệu tiền làm mái. Lúc đầu cán bộ nói hỗ trợ tiền, nhưng sau lại nói hỗ trợ vật liệu xây dựng như cát, gạch, xi măng, mái tôn… nhưng chờ mãi không thấy. Đến khi làm nhà xong họ bảo bóc mái tấm lợp xi măng xuống thay bằng mái tôn. Giờ cán bộ nói không được hỗ trợ nữa, tiền nợ không biết bao giờ mới trả được”, ông Hội nói.
Nằm ngay phía trên, căn nhà của ông Hoa Văn Biên (SN 1955) cũng mới dựng bằng gỗ vớt được từ căn nhà cũ và một phần gỗ mới. Ông Biên ngao ngán: “Cán bộ nói hỗ trợ nhà ta 50 triệu nhưng chờ mãi không thấy đâu. 9 người trong nhà phải ăn Tết trong căn lán dựng tạm dưới khe suối. Ra Tết, chờ không được nữa nên tôi nhờ các thợ trong làng dựng căn nhà này để mọi người có chỗ chui ra chui vào. Tiền công thợ hết 35 triệu, đã mấy tháng rồi nhưng chưa có trả. Giờ suốt ngày, thợ cứ đến hỏi nhưng không có tiền. Nhà có con bò phải để làm giống, còn 1 con bê con thì còn nhỏ quá, bán cũng không được mấy đồng. Hai con lợn thì bị dịch chết hết rồi”, ông Biên nói.
Nhu cầu cấp bách, hỗ trợ quá chậm
Ông Lô Văn Thương, Trưởng bản Na Nhu, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, đợt mưa lũ hồi tháng 8/2018 làm trôi nhà và hư hỏng tài sản của nhiều hộ dân trong bản. Sau khi trực tiếp về khảo sát, Hội Chữ thập đỏ chọn được 6 hộ hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, việc thực hiện quá chậm. Chưa kể việc nhà tài trợ không tính đến văn hóa, phong tục của người dân. Đồng bào Khơ-mú ở đây chỉ ở nhà sàn gỗ mà dự án lại hỗ trợ nhà bê tông thì không phù hợp. Ngoài ra, 50 triệu hỗ trợ cũng không thể xây dựng được 1 căn nhà bê tông. Số tiền người dân bù vào để có nhà là rất lớn nhưng đồng bào không biết lấy đâu ra tiền.
Theo ông Nguyễn Lâm Duyên, Phó trưởng ban Công tác xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, tháng 8/2018 mưa lũ gây thiệt hại lớn cho đồng bào Khơ-mú ở xã Tà Cạ. Đến tháng 12/2018, Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhận được công văn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về việc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam hỗ trợ nhà ở an toàn cho cộng đồng.
Ngay sau đó, Trung ương Hội đã cùng với Tỉnh hội, Huyện hội và chính quyền địa phương về xã Tà Cạ khảo sát và lựa chọn được 8 hộ thiệt hại nặng nhất ở 2 bản Tà Cạ và Sa Vang để hỗ trợ. Theo cam kết ban đầu, nhà tài trợ sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng và căn cứ trên vốn đối ứng người dân bỏ ra để xây dựng nhà phòng chống thiên tai. Việc xây dựng nhà cho dân sẽ được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai không có nhà thầu nào tham gia, vốn đối ứng của người dân cũng không có.
Đến tháng 4/2019, nhà tài trợ quyết định thay đổi phương án tài trợ là hỗ trợ 50 triệu đồng nhưng bằng vật liệu xi măng, cát, sỏi… “Khi Tỉnh hội lên khảo sát phát hiện người dân đã xây dựng nhà cửa. Sau khi báo cáo ra Trung ương Hội và nhà tài trợ thì họ bảo không hỗ trợ 8 hộ này nữa mà chuyển sang hỗ trợ 8 gia đình hoàn cảnh khó khăn khác”, ông Duyên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận