Hành vi đăng ảnh, tiết lộ thông tin đời tư cá nhân của trẻ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ảnh minh họa) |
Theo Luật Trẻ em, từ 1/6, những hành vi như: tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của trẻ em nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em,đăng tải hình ảnh cá nhân,đặc điểm nhận dạng cá nhân; kết quả học tập,… của trẻ trên các trang mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em thì đó là những hành vi vi phạm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC, nhận định: Lâu nay, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ đôi khi lại chính là người thân thích của trẻ, là cha, mẹ, anh, chị… "Mặc dù có thể xuất phát từ tình yêu thương, hoàn toàn không cố ý nhưng vì chủ quan, không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật nên đã thực hiện hành vi vi phạm đến quyền tư, bí mật cá nhân của trẻ em, đặc biệt là sự xâm phạm về hình ảnh cá nhân", bà Thoa nói.
Về chế tài xử phạt, Luật sư Thoa cho biết, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có thể căn cứ vào những quy định pháp luật khác có liên quan để xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em. Chẳng hạn, đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng, có thể căn cứ vào Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP).
Theo đó, đối với vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 64).
Đối với vi phạm của thành viên gia đình tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của trẻ em nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin, phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì bị xử phạt từ 1-1,5 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm theo khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
“Tùy tính chất, mức độ, hành vi vi phạm các hành vi nghiêm cấm như công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác; tội làm nhục người khác… theo quy định của Bộ luật Hình sự”, LS Thoa khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận