Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt việc bùng nổ phương tiện xe hợp đồng kết nối ứng dụng của Grab, Uber - (Ảnh minh họa) |
Tại Hội nghị sơ kết đánh giá 1 năm thực hiện Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT tổ chức vào chiều qua (13/4), nhiều ý kiến cho rằng, đang có sự bùng nổ lượng xe hợp đồng tham gia thí điểm. Thời gian tới, cần có giải pháp mạnh để quản chặt hoạt động xe hợp đồng ứng dụng kết nối điện tử.
Là địa phương tham gia thí điểm, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, về bản chất, Uber, Grab là dạng taxi nên phải quản lý như taxi truyền thống, không thể mỗi loại quản lý một kiểu và muốn quản lý được phải có thể chế quản lý. “Uber, Grab tăng số lượng xe thời gian qua sẽ không kiểm soát nổi. Chúng tôi không nắm nổi Uber có mấy nghìn xe, thậm chí phải nài nỉ xin số liệu mà không được” ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, nguyên nhân của việc khó quản lý là do logo doanh chủ động dán nên Sở không nắm được và không quản lý được. "Uber, Grab phải dán logo, thậm chí đeo mào để dễ nhận biết, quản lý và điều hành”, ông Quang đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định, đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý xe taxi kiểu này. Cuối năm 2015, TP Hồ Chí Minh chỉ có 200-300 xe dưới 9 chỗ xe hợp đồng đi đường dài, nhưng tới ngày 28/2/2016 bắt đầu thí điểm Grab, số lượng xe tăng lên 2.437 xe. Đến 31/8/2016 là 9.422 xe; tháng 6.2016 đã lên đến hơn 15.000 xe và đến đầu tháng 4.2017 đã có hơn 22.000 xe. Do đó, TP HCM đề nghị dừng cấp phép xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng và xây dựng quy hoạch xe hợp đồng, đồng thời yêu cầu dán logo, phù hiệu để quản lý.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sau 1 năm thực hiện, chương trình thí điểm mới được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Tính đến nay, có 6 ứng dụng kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm, 3 nhà cung cấp phần mềm đã có đề án gửi về Bộ GTVT và đang được hướng dẫn hoàn thiện với 13.534 xe tham gia.
“Các đơn vị tham gia thí điểm đã bám sát nội dung quyết định số 24 của Bộ GTVT và đã có kết quả bước đầu khá tốt, rút ngắn được thời gian hành khách chờ xe. Thời gian chờ xe với mỗi chuyến đi của hành khách dưới 5 phút và đạt được tỷ lệ số km xe chạy có khách gần 90%”, ông Ngọc nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian qua các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab nên có sự lúng túng. Vì vậy, Bộ GTVT đang sửa Nghị định 86/NĐ –CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhằm có giải pháp tích cực để quản lý các xe này.
"Việc các sở GTVT không kiểm soát được hoạt động của các loại hình này một phần xuất phát từ sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước. Vận tải là thị trường mở, không áp đặt số lượng phương tiện. Tuy nhiên, tôi thống nhất với ý kiến của các Sở GTVT là vẫn phải có quy hoạch số lượng xe taxi và xe hợp đồng, nhất là đối với các đô thị lớn. Việc cấp phép xe hợp đồng sẽ xem xét ủy quyền cho địa phương và phải được quản lý chặt. Xe hợp đồng phải đăng ký hoạt động với Sở GTVT, một xe cũng phải đăng ký và phải được giám sát đăng ký thông qua thiết bị GSHT", Thứ trưởng Trường khẳng định.
"Thời gian tới, các Sở GTVT cần xem xét thống nhất một loại logo dán ở cửa trước của xe và tem hợp đồng phải dán trước kính xe cho các xe hợp đồng. Cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ tổng kết 2 năm thí điểm hoạt động này và sẽ báo cáo Chính phủ để đưa ra lộ trình mới cho xe hợp đồng", Thứ trưởng Trường nói thêm.
Xem thêm Video
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận