Thời sự

Đáng buồn khi có những ĐBQH “biết mà không nói”

02/10/2016, 16:05
image

Quốc hội phải luôn công khai mọi hoạt động, mở rộng cửa với báo chí, vì báo chí giúp các ĐBQH gần dân hơn.

6

Quang cảnh buổi tọa đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội” sáng 29/9

Đó là ý kiến được nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường đưa ra tại buổi tọa đàm “Báo chí với hoạt động của Quốc hội”, được Văn phòng Quốc hội tổ chức sáng 29/9.

ĐBQH vẫn e dè với báo chí

Là người rất gần gũi và cởi mở với báo chí trong suốt thời gian tham gia hoạt động ở Quốc hội, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thẳng thắn cho rằng, thực tế vẫn có nhiều ĐBQH e ngại trong việc trả lời báo chí, ảnh hưởng đến việc xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng. Ông Tiến cũng một lần nữa khẳng định quan điểm: “ĐBQH không bao giờ nói không với báo chí”, “Cánh cửa phòng ĐBQH luôn mở với báo chí”, “Báo chí cần mình là dư luận xã hội, là cử tri cần mình”.

Ông Lê Việt Trường cũng cho rằng, quan hệ giữa báo chí và ĐBQH là mối quan hệ tương tác. Trong đó điều quan trọng nhất là phải xây dựng được lòng tin giữa báo chí và ĐBQH để khắc phục tình trạng e dè, ngại ngùng của các ĐBQH khi tiếp xúc với báo chí. Ông Trường cho rằng, phải làm sao để các ĐBQH hiểu rằng tiếp xúc với báo chí chính là cơ hội để mình tiếp xúc với cử tri, tương tác với báo chí là cơ hội để nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc. Ông Trường cho rằng, để đảm bảo hiệu quả thì hoạt động của ĐBQH, của Quốc hội không nên chỉ gói gọn trong bốn bức tường mà phải mở rộng ra với quần chúng. “Đặc biệt, các ĐBQH cũng cần triệt tiêu ngay tư tưởng, khuynh hướng “im lặng là vàng” khi đứng trước báo chí”, ông Trường nêu quan điểm.

>>> Xem thêm video:

Đáng buồn khi có những ĐBQH “biết mà không nói”

Chia sẻ ý kiến của mình, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng đồng tình quan điểm, nếu hoạt động của Quốc hội chỉ gói gọn trong hội trường thì chẳng mấy người dân biết đến, nếu càng thông tin nhiều trên báo chí thì dân càng nắm rõ và hiểu hoạt động của Quốc hội. “Nhưng một buổi tọa đàm trao đổi như thế này mà chỉ thấy lèo tèo vài ĐBQH thì cũng là một điều rất đáng buồn”, ông Cương phát biểu khi thấy có quá ít ĐBQH tham dự buổi tọa đàm sáng qua.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Kiên, Báo Tuổi trẻ kiến nghị cần nâng cao kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin, quan hệ báo chí của ĐBQH vì đây là một trong những yêu cầu không thể thiếu của quá trình chuyên nghiệp hóa Quốc hội, đồng thời nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Quốc hội. Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân lại cho rằng, nhà báo và ĐBQH phải có niềm tin và tôn trọng lẫn nhau. Nếu ĐBQH nói mà không có báo chí truyền tải thì chỉ có 500 ĐB trong hội trường nghe, còn nếu mở cửa trao đổi với báo chí thì ý kiến của ĐB đó sẽ đến được với hàng vạn, hàng triệu người.

Theo ông Cương, tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của ĐBQH. Muốn một Quốc hội minh bạch, Quốc hội vì dân thì phải coi việc tiếp xúc với báo chí là trách nhiệm của ĐBQH. “Tôi là một ĐBQH mà có lẽ cả cuộc đời tôi không dính đến nông nghiệp và phân bón, nhưng tôi lại là ĐBQH có những bài phát biểu nói rất nhiều về phân bón giả. Tôi thấy tiếc vì có nhiều ĐB liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, thậm chí có ông đại diện cho mấy chục triệu nông dân mà không ý kiến, nói năng gì. Tôi nghĩ các ĐB liên quan đến lĩnh vực đó có thể phải cảm thấy “ngượng”, ông Cương thẳng thắn.

Về sự tương tác giữa báo chí và các ĐBQH, ông Cương lấy làm tiếc vì nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội nhưng khi báo chí nêu ra với tinh thần chung để tìm giải pháp, đến lúc hỏi rất nhiều ĐB đều không được. “Tôi thì rất muốn trả lời nhưng cũng có những cái không có kinh nghiệm, không có thông tin nên không thể nói được. Thậm chí, có những khi tôi còn nhận lời phóng viên sẽ mời người này, người kia có trách nhiệm liên quan để trả lời phóng viên nhưng họ lại từ chối, đó là điều rất đáng buồn”, ông Cương nói và cho rằng, tiếp xúc với báo chí là một cách khá tốt để tham gia vào các dự án Luật, bởi các ý kiến xác đáng trên báo chí có thể tạo ra hiệu ứng tốt, tạo áp lực cho cơ quan soạn thảo, sửa đổi, chỉnh lý những điều chưa hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.