Chiều ngày 28/8, thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vào hồi 13h ngày 28/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 30/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm mai (29/8) đến ngày 02/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng phát đi cảnh báo từ sáng sớm 30/8, ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió bão mạnh cấp 9-10; giật cấp 12. Từ trưa 30/8, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; ngập lụt tại các khu đô thị, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thanh Hóa đã có công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Công điện hỏa tốc đề nghị, đối với khu vực ven biển, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đồng thời, kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển; rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động khai thác trên biển, ven biển.
Đối với khu vực đất liền, kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, vào đầu tháng 8/2019, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa xuất hiện mưa kèm theo lũ quét, lũ ống đã làm 16 người chết và mất tích, nhiều công trình giao thông trọng điểm bị sạt lở... ước tính tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tại bản Sa Ná (thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) có 74 hộ sinh sống chủ yếu ven dòng suối Son, trận lũ quét vào ngày 3/8 đã khiến 10 người chết và mất tích, 35 nhà sập hoàn toàn, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị trôi… Đến nay, còn 6 người tại xã Na Mèo mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ vẫn đang được địa phương tích cực triển khai để giúp người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận