Áp lực chồng chất
Sáng cuối tuần tháng 11, PV Báo Giao thông có mặt tại cơ sở sửa chữa ca nô trên đường Long Thuận, phường Long Phước TP Thủ Đức, TP.HCM. Dọc theo con đường mòn dẫn vào bãi sửa chữa máy thủy là hai ca nô và một du thuyền đang đợi đăng kiểm viên đến làm biên bản kiểm tra chạy thử.
Chuông điện thoại đổ liên tục vì khách hàng của chủ tàu gọi đến hỏi thăm tình hình giấy tờ đăng kiểm. "Trước đây mỗi đợt đăng kiểm, tôi thường sốt ruột vì phương tiện đang kinh doanh du lịch, cho thuê dịch vụ, lo mất doanh thu khai thác. Nhưng bây giờ, đăng kiểm xong đem đi bán thanh lý", chủ tàu cho biết.
Chiếc du thuyền mini và hai ca nô đợi đăng kiểm trước đây mua gần 2 tỷ đồng đã được chốt giá 1,3 tỷ đồng.
Đến khoảng 11h, đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 6 đến làm việc. Dáng người tất tả cùng bộ đồng phục lấm lem dầu máy, anh Hoàng Huy nhảy vội xuống tàu và yêu cầu lái tàu nổ máy hướng ra sông Tắc.
Sau gần 1 giờ kiểm tra các thông số cân bằng, đối chiếu với hồ sơ thiết kế, ký các giấy tờ cần thiết, anh Huy tiếp tục rời đi vì còn phải kiểm tra một phương tiện khác ở quận 7, cách 30km. "Mọi người thông cảm, sáng phải đi kiểm tra phương tiện ở Đồng Nai, cách đây gần 40km, đường về kẹt xe quá", anh Huy quay lại nói với chút ngại ngùng vì biết chủ tàu đợi lâu.
Đã nhiều tháng nay, các đăng kiểm viên phương tiện thủy làm việc trong tình trạng quá tải vì thiếu nhân lực.
Ông Lê Hồng Tâm, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6 cho biết, đến cuối tháng 10/2023, đã có 743 phương tiện được đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, vẫn còn 198 phương tiện đang kiểm tra chưa xong. Trong khi đó, hiện cả đơn vị chỉ có 14 đăng kiểm viên.
Ông Nguyễn Hoàng Tú, Giám đốc Công ty ca nô Hoàng Tú cho biết, phương tiện đường thủy với đặc thù phức tạp về máy móc và cả thiết kế, nên thời gian làm việc thực tế và ghi chép, thẩm định lâu. Ngay cả những thợ sửa chữa hơn chục năm kinh nghiệm vẫn cần phải nhờ các cán bộ đăng kiểm hỗ trợ đối chiếu các thông số khi tháo máy.
"Đây vốn dĩ là việc của chủ tàu nhưng vì trình độ hạn chế, không được đào tạo bài bản nên đa phần phải có đăng kiểm viên hỗ trợ, tham vấn", ông Tú nói.
Sớm hóa giải khó khăn
Bên cạnh công tác đăng kiểm phương tiện, Chi cục Đăng kiểm 6 vẫn phải đáp ứng công tác quản lý liên ngành. Đăng kiểm viên tham gia đoàn của ban ATGT các tỉnh đi kiểm tra phương tiện tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh.
Mỗi lần theo đoàn, nhân lực đã mỏng lại càng thiếu hụt. Chi cục có 3 lãnh đạo phụ trách, phân công nhiệm vụ quản lý chung, thẩm định máy, thẩm định thiết kế nhưng nhiều khi cũng trực tiếp đi theo đoàn liên ngành để đăng kiểm viên làm có thời gian việc thực tế.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) thông tin, hiện nay Chi cục Đăng kiểm 6 đang hỗ trợ đào tạo bổ sung thêm 3 đăng kiểm viên cho TP.HCM để có thể kiểm tra phương tiện lớn hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hồng Tâm, hiện Thông tư 16/2023 của Bộ GTVT đã phân cấp cho địa phương kiểm tra phương tiện lớn hơn. Trước đây, theo quy định cũ, Trung tâm quản lý đường thủy chỉ được phân cấp đăng kiểm phương tiện có công suất máy dưới 135CV.
Hiện, đơn vị đăng kiểm hạng II như Trung tâm quản lý đường thủy được đăng kiểm phương tiện thủy nội địa có tổng dung tích đến dưới 500 GT, phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính đến dưới 300CV, phương tiện thủy nội địa có sức chở dưới 50 người. Nhờ vậy, Chi cục Đăng kiểm 6 cũng được chia lửa.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, thành phố đang triển khai hàng loạt đề án, kế hoạch phát triển du lịch đường sông, vận tải đường thủy nên vấn đề về phương tiện là ưu tiên cốt lõi. Hiện, quá trình phối hợp giữa Chi cục Đăng kiểm 6 với Sở GTVT TP.HCM đã cho thấy rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, bên cạnh các giải pháp đã có tại Thông tư 16, Cục Đăng kiểm đã trình lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa tại dự thảo QCVN 72: 2023/BGTVT.
Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện Thông tư để trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành quy chuẩn mới. So với quy chuẩn hiện hành, dự thảo quy chuẩn mới có sự thay đổi lớn về chu kỳ kiểm định phương tiện thủy, theo hướng miễn, kéo dài hơn chu kỳ đăng kiểm đối với phương tiện thủy đang khai thác.
Cũng theo ông Hải, với quy định hiện nay, phương tiện phải kiểm tra hàng năm theo mốc thời gian 12 tháng/lần đối với các loại tàu, riêng với tàu vỏ gỗ 6 tháng/lần.
Nhưng theo dự thảo quy chuẩn mới, về loại hình kiểm định "Kiểm tra hằng năm", sẽ miễn áp dụng cho đến khi tàu 5 tuổi đối với các tàu mang cấp VR-SI, VR-SII, VR-SIII không phải là tàu khách, tàu chở người, tàu chở dầu, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu vỏ gỗ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận