Pháp đình

Đắng lòng phiên xử bà kiện cháu

10/09/2016, 13:25
image

Cụ bà 84 tuổi là người đâm đơn kiện cháu ra tòa nhưng ngay khi tòa tuyên án, lòng cụ trở nên nặng trĩu.

ảnh 1 (22)
Đứa cháu tội đồ trước vành móng ngựa

Trớ trêu bà “kiện” cháu

Bị hại trong phiên xét xử là một bà cụ lưng còng, hai mắt mờ đục. Chân tay cụ khẳng khiu, chỉ còn da bọc xương, tay cụ bám chặt vào một người phụ nữ trung tuổi. Đó là cụ Lê Thị Cẩm (SN 1932, ở Thạch Thất, Hà Nội) đi cùng với người con dâu đến tòa trong vai trò là bị hại của một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều trớ trêu, kẻ tham lam không ai khác chính là đứa cháu ngoại Nguyễn Thị Nhất (tức Thanh, SN 1986, ở xã Thạch Hòa, Thạch Thất) mà cụ Cẩm bấy lâu luôn yêu quý và tin tưởng.

Một ngày cuối tháng 8, lê đôi dép bước vào phòng xử, cụ gặp lại đứa cháu ngoại của mình trong một tình huống bất đắc dĩ. Nhất được công an dẫn giải đến ngồi trơ trọi trước vành móng ngựa từ bao giờ. Vừa thấy bà ngoại, Nhất xấu hổ, hối hận mà chả biết nên nói thế nào. Đây không phải là lần đầu tiên hai bà cháu đối mặt tại chốn công đường. Trước đó, TAND huyện Thạch Thất đã đưa vụ án này ra xét xử một lần và tuyên phạt Nhất mức án 5 năm tù.

Cháu đi tù, đồng nghĩa với việc tiền chưa thể trả lại cho cụ Cẩm. Cũng chẳng hiểu thế nào, bởi một bà cụ tai nghễnh ngãng, mắt mờ, chân run thì biết đường nào mà kiện tụng. Thế nhưng, phía bị hại vẫn do cụ đứng tên và làm đơn lên tòa cấp cao hơn với nội dung trong đơn kháng cáo là mong tòa làm rõ cuốn sổ tiết kiệm 200 triệu đồng mang tên bị cáo Nhất trong ngân hàng có phải là tiền của cụ cũng như mong muốn làm sao đòi lại được tiền tiết kiệm của mình. Chính vì thế, phiên tòa phúc thẩm đã được mở lại tại TAND TP Hà Nội để xem xét nội dung yêu cầu kháng cáo của cụ Cẩm cũng như làm rõ tội trạng của bị cáo Nhất.

Theo đó, cuối năm 2013, do bán được mảnh đất nên cụ Cẩm có được một khoản tiền khá lớn. Sau khi chia cho con cháu mỗi người một ít, số tiền còn lại 660 triệu đồng, cụ gửi tiết kiệm tại ngân hàng, mong sau này không phải phiền con cháu lo chuyện hậu sự. Do tuổi cao sức yếu, lại không biết chữ nên hàng tháng, cụ đều nhờ cháu ngoại là Nhất đưa đến ngân hàng rút tiền lãi để chi tiêu, ngoại trừ có một lần cụ Cẩm nhờ Nhất rút cho 6 triệu đồng từ tài khoản gốc để lo công việc. Tất nhiên, mỗi lần bà ngoại nhờ, Nhất đều rất vui vẻ và sẵn sàng hộ tống bà đi đến nơi về đến chốn. Cụ Cẩm đến ngân hàng rút tiền tất cả 13 lần. Chẳng hiểu vì nguyên cớ gì, đến tháng thứ 14, cụ không nhờ Nhất mà lại lật đật ra đầu ngõ nhờ ông xe ôm đưa đi rút tiền. Đến khi nghe người lái xe ôm mang hóa đơn và thông báo cho cụ Cẩm biết số tiền trong tài khoản của cụ lúc này chỉ còn lại non một nửa, cụ gần như chết lặng.

Quá trình điều tra cho thấy, tính đến tháng 7/2014, tương ứng với 13 lần “tháp tùng” bà ngoại ra ngân hàng rút tiền, Nhất đã lặng lẽ chiếm đoạt của bà ngoại hơn 300 triệu đồng, trong tổng số 416 triệu đồng mà cụ Cẩm điểm chỉ vào các giấy tờ giao dịch với ngân hàng.

Bị hại dằn vặt sau khi tòa tuyên án

ảnh 2 (16)
Cụ Cẩm ngồi thẫn thờ trong phiên tòa “bất đắc dĩ”

Cũng từ lúc biết được số tiền của mình bị “vơi” đi quá nhiều, cụ Cẩm lật đật chạy đến hỏi tội đứa cháu. Nhất sợ hãi vì trót tiêu hết tiền chiếm đoạt của bà nên đã bỏ trốn khỏi địa phương. Đến cuối năm 2014 thì Nhất bị bắt giữ.

Một điểm đáng chú ý khi tòa công bố kết quả điều tra cho thấy, trong khi đứa cháu tham lam ra sức “trộm” tiền của bà ngoại thì lại rất “xông xênh” với những người xung quanh. Cụ thể, Nhất đã cho vợ chồng người em bên chồng 48,5 triệu đồng, cho một người bạn ở Phú Thọ 16 triệu đồng và tặng một người dì 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được thu hồi, trả cho cụ Cẩm.

Về phía bị hại trong vụ án, ngay sau phán quyết của bản án sơ thẩm, cụ Cẩm cho rằng, có sự mập mờ về cuốn sổ tiết kiệm mang tên bị cáo Nhất nêu trên nên đã có đơn kháng cáo với mong muốn sớm thu hồi được số tiền bị mất. Cũng tại phiên tòa này, người con dâu đi cùng cụ Cẩm cũng chính là mợ của bị cáo được cụ ủy quyền đã yêu cầu được tòa làm rõ về vấn đề này. Cũng theo người phụ nữ này thì đó chính là tiền mà Nhất chiếm đoạt của bà ngoại rồi mở tài khoản mang tên mình.

Tuy nhiên, HĐXX đã công bố rõ ràng tất cả các tài liệu điều tra lại cho thấy, đó là khoản tiền mà bị cáo đứng tên hộ người khác, chứ không phải nó có nguồn gốc từ số tiền “đánh cắp” của cụ bà 84 tuổi. Do vậy, sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, tài liệu của vụ án, HĐXX phúc thẩm khẳng định, không có cơ sở để chấp thuận yêu cầu của bị hại buộc bị cáo Nhất phải “sang ngang” cuốn sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng.

Thế nhưng, ngoài việc bác yêu cầu trên của bị hại, HĐXX phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tội trạng mà bị cáo gây ra và kháng nghị tăng nặng hình phạt của VKS là có căn cứ. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định tăng hình phạt từ 5 năm tù lên 7 năm 6 tháng tù giam đối với Nhất về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tòa vừa dứt lời tuyên án, cả bị cáo và bị hại đều rất bất ngờ. Biết bản án mình phải chấp hành sẽ kéo dài thêm hai năm rưỡi đồng nghĩa với việc càng lâu được trở về với xã hội và đứa con nhỏ dại, Nhất đã không giữ được bình tĩnh, khóc nấc lên rồi lăn đùng ra nền nhà khiến mọi người trong phòng xử được một phen hoảng hốt.

Về phần cụ Cẩm cũng gần như chết lặng với bản án tòa vừa tuyên cho cháu gái. Hai mắt cụ rưng rưng, hai tay xoa vào nhau, cụ lẩm bẩm: “Tôi kháng cáo chỉ mong lấy lại tiền chứ đâu phải để bắt nó đi tù lâu hơn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.