Làm báo cùng Giao thông

Đắng lòng thày giáo trộm gạo

25/11/2017, 07:40

Thật khó tha thứ cho việc làm của hai thày, nhưng càng nghĩ càng thấy xót thương.

13

Các cô giáo điểm trường Pờ Hồ Cao (xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, Lào Cai) băng qua khu vực lở đất đến trường - Ảnh: Mai Thanh Hải

Hiệu trưởng, hiệu phó trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái bị bắt vì bán 6 tấn gạo của học sinh trong trường để lấy tiền chi tiêu cá nhân.

Hai thày bán 6 tấn gạo được 42 triệu đồng, thuê bốc vác hết 4 triệu đồng, nếu trót lọt chia nhau mỗi người được 19 triệu đồng.

Le Thanh Phong

Nhà báo Lê Thanh Phong

Với số tiền đó, cả hai mất hết, lại vào vòng lao lý. Gia đình lao đao, học trò của trường bị tổn thương vì thày biển thủ chính gạo của các em. Thật khó tha thứ cho việc làm của hai thày, nhưng càng nghĩ càng thấy xót thương.

Thày giáo ở các tỉnh miền núi, nơi vùng, sâu vùng xa rất nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Chỉ thực sự túng quẫn mới làm cái việc mà chắc chắn các thày không mong muốn, mới mạo hiểm kiếm chút tiền nhưng có thể đánh đổi cả danh dự, sự nghiệp. Dẫu biết rằng, không thể lấy cái nghèo để biện minh cho chuyện ăn cắp, nhưng nếu không nghèo thì chẳng ra nông nỗi này.

Còn nhớ mới đây, thày Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên trường THPT Lê Lợi, Nghệ An tiết lộ trên trang cá nhân số tiền lương sau 20 năm theo nghề là 5.678.000 đồng. Và ai trong chúng ta cũng xót xa khi có hàng vạn trường hợp giáo viên về hưu chỉ nhận 2 triệu đồng/tháng. Phải chăng vì vậy mới có chuyện “con thi sư phạm, mẹ đòi chết”.

Đạo làm người, đạo làm thày, chữ “đạo” này gắn vào nghề giáo sâu sắc nhất vì họ dạy người, trồng người. Xã hội vẫn khoác lên vai người thày những giá trị và trách nhiệm vô cùng to lớn, phải là tấm gương, phải là hình mẫu về lối sống, đạo đức - Vinh dự đấy nhưng cũng khó nhọc vô cùng.

Cha ông đã nói “có thực mới vực được đạo”, đó là sự công bằng. Người thày phải đủ sống, sống đàng hoàng, sống bằng lương thực, thực phẩm, không phải chỉ hít khí trời để tuyên ngôn về các giá trị đạo đức hay làm hình mẫu cho sự lương thiện và liêm chính.

Với đồng tiền quá ít ỏi, thày cô không chia đủ cho 30 ngày sống. Ở các vùng núi non hẻo lánh, giáo viên không làm gì ra thêm được cắc bạc bằng nghề của mình. Học trò nghèo, bản làng cũng nghèo, có dạy thêm hay làm thêm gì được để cải thiện cuộc sống, sinh hoạt. Có quá nhiều khẩu hiệu về trồng người, về sự nghiệp giáo dục, giáo dục là quốc sách. Nhưng thực tế khác biệt quá xa với những câu nói bóng bẩy trong các trang giấy vô hồn.

Mới đây nhất, Bộ Giáo dục & Đào tạo trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó đưa vào quy định: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Không phải chỉ riêng thày cô giáo, tôi tin rằng, nhiều người nghe tin này cũng mừng và mong muốn sớm thành hiện thực. Thày cô không phải đầu tắt mặt tối lo miếng ăn thì con chữ của nước mình mới tử tế.

Lại có câu hỏi đặt ra là tiền đâu để tăng lương cho giáo viên và tăng bao nhiêu thì cuộc sống của người thày mới được đảm bảo. Chưa kể, các ngành khác cũng sẽ lên tiếng đòi tăng lương, bởi vì ai cũng khó như nhau.

Tôi thiết nghĩ một điều, nếu không còn những vụ tham nhũng, thất thoát trăm, ngàn tỉ đồng khắp đất nước này thì dư tiền để tăng lương cho thày cô và sẽ không có những người thày phải vào nhà lao vì ăn cắp gạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.