Biển số xe đẹp |
Tại cuộc họp báo ngày 26/4 do Bộ Tư pháp tổ chức, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu việc chỉ nên đấu giá biển số đẹp hay tất cả các biển số xe.
Đề xuất đấu giá từ năm 2011
Bà Mai cho biết, đề xuất đấu giá biển số xe đẹp được đưa ra từ năm 2011 khi xây dựng nghị định về đấu giá tài sản. Nhưng cho đến nay, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau, trong đó chưa thống nhất được biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của Nhà nước đối với phương tiện giao thông đường bộ, quản lý trật tự giao thông.
“Khi quan điểm chưa rõ biển số xe có phải là tài sản hay không thì không thể đưa ra bán đấu giá được. Khi tính chuyện có trao tất cả các quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt cho người trúng đấu giá hay không, cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc thu được từ bán đấu giá biển số xe với lợi ích của việc quản lý trật tự đô thị”, bà Mai nói và cho biết, các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, cân nhắc chỉ nên đấu giá biển số đẹp hay tất cả các biển số xe. “Nhưng tâm lý thì ai cũng thích biển đẹp, còn biển thường cũng rất khó đưa ra đấu giá”, bà Mai cho hay.
Trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến Dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị của Bộ Công an, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Dân sự, Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh mặt hàng này, nên chỉ quy định những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng điều kiện gì thì được kinh doanh, còn không quy định đối tượng sử dụng các thiết bị này.
Chưa quy định thành phần tham gia xin lỗi người tù oan
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông về vụ việc hy hữu vừa xảy ra trong buổi xin lỗi công khai người tù oan Hàn Đức Long (Bắc Giang) ngày 25/4, trong đó người nhà bị hại trong vụ án gây náo loạn và có những hành động phản ứng hết sức dữ dội, vì sao các cơ quan chức năng không tính tới việc hủy bỏ buổi xin lỗi để tiến hành vào dịp khác, ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao thì trong luật quy định chưa rõ ràng.
“Tuy nhiên, việc tổ chức xin lỗi ông Long có những sự cố khi người nhà bị hại có hành vi hơi quá, tôi không bình luận nhiều. Khi cơ quan Nhà nước đã xác định người bị oan và đứng ra xin lỗi, còn trách nhiệm xác định, truy tìm thủ phạm do các cơ quan điều tra tiến hành, theo thời gian và quy trình cụ thể. Nên hành vi gây rối của gia đình bị hại, quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để người nhà thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hưng nêu quan điểm và thông tin thêm, dự thảo luật mới sẽ nghiên cứu quy định một cách cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, cũng như trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong tổ chức xin lỗi công khai, làm sao để có tính khả thi cao nhất.
Kiến nghị sửa quy định cấp biển xanh cho ô tô, xe máy Theo ông Đỗ Đức Hiển, người phát ngôn Bộ Tư pháp, liên quan đến việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy, qua rà soát cho thấy, Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe còn một số điểm chưa thống nhất dẫn đến việc có thể mở rộng đối tượng cấp biển số xe nền màu xanh, chữ và số màu trắng cho xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác đảm bảo an ninh. Bộ Tư pháp đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 15. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận