Phú Yên là một trong ba đội bóng bỏ giải hạng nhất năm 2017. |
Trước mùa giải 2017, bóng đá Việt Nam lại nóng câu chuyện bỏ giải. Hiện, đã có 3 đội bóng xin rút khỏi giải hạng Nhất nhưng đáng nói hơn thực trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua.
Vừa chạy vừa xếp hàng
Ít ngày nữa, Ban Tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ tiến hành bốc thăm xếp lịch thi đấu giải hạng Nhất quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BTC lẫn Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể sau khi ba đội bóng gồm: PVF, Đồng Nai và Phú Yên xin rút khỏi giải hạng Nhất khiến giải đấu này hiện chỉ còn 7 đội tham dự. Theo thông tin từ VPF, ngoài CLB PVF không định hướng tham gia các giải đấu chuyên nghiệp, chỉ đầu tư cho đào tạo trẻ, cả Đồng Nai và Phú Yên đều lấy lý do không đủ kinh phí để dự giải.
Mùa giải năm ngoái, Cà Mau cũng xin ngay khi vừa giành quyền lên chơi ở hạng Nhất. Trước đó, ở mùa giải 2013, An Giang sau khi bị tụt từ V-League xuống hạng Nhất đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Mùa giải 2014, Đồng Tháp đang có ý định bỏ giải thì được “mạnh thường quân” ra tay ứng cứu nên “thoát hiểm” trong gang tấc. Điểm chung của các đội bóng trên đều là thiếu kinh phí.
Về thực trạng này, theo nhà báo Nguyễn Nguyên (TKTS Báo Pháp luật TP HCM), đây là hậu quả của việc làm bóng đá chuyên nghiệp kiểu nửa vời. Ông Nguyên nhận định, bóng đá chuyên nghiệp phải có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn và cái đích cuối cùng phải là lấy bóng đá nuôi bóng đá. Trong khi đó, ở Việt Nam, các đội bóng đa phần vẫn phụ thuộc vào ngân sách địa phương, chưa tách ra khỏi bóng đá thời bao cấp.
“Ở một vài địa phương có doanh nghiệp lớn, bóng đá vẫn kêu gọi được tài trợ nhưng chỉ là mối quan hệ một chiều. Tức là doanh nghiệp chỉ có thể bỏ tiền chứ không thể thu lợi. Như vậy làm sao hợp tác bền vững được. Đương nhiên, khi các doanh nghiệp rút lui, bóng đá sẽ lâm vào cảnh thiếu tiền bởi ngân sách có hạn”, ông Nguyên nói thêm.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Nguyên, bóng đá Việt Nam từ khi lên chuyên nghiệp năm 2000 đã không có một cơ chế rạch ròi và làm theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng. Vấn đề nằm ở chỗ, cho tới thời điểm này, sau 16 năm, chúng ta vẫn vừa chạy vừa xếp hàng, chưa có sự thay đổi về mặt cơ chế. Các đội bóng V-League vẫn sống được là nhờ tài trợ nhưng giải hạng Nhất ít được quan tâm hơn nên rất khó khăn.
Bao giờ hết teo tóp?
Đánh giá về thực trạng trên, ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc VPF cho rằng, đơn vị này hoàn toàn không bất ngờ trước việc một số đội bóng xin rút. “Chúng tôi cũng đã lường trước được nhiều tình huống và có những phương án cho từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là giai đoạn sàng lọc các đội trước thềm chốt danh sách các đội bóng tham dự các giải hạng Nhất Quốc gia 2017. Nếu CLB nào không đủ các yếu tố cần thiết để có thể tham dự một giải đấu chuyên nghiệp thì việc họ xin rút lui là điều chúng tôi sẵn sàng chấp nhận”.
Theo ông Chóng, các đội bóng tiềm lực tài chính yếu buộc phải nâng cao năng lực quản lý bóng đá. “Những năm gần đây, VPF đều tổ chức cho các đội bóng Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức để học tập mô hình làm bóng đá. Chúng tôi chỉ hỗ trợ được đến vậy chứ không thể ngồi ghế quản lý thay lãnh đạo đội bóng. Một số địa phương cũng khó khăn nhưng vẫn làm được bóng đá tử tế. Điều này cho thấy tiền không phải là tất cả của vấn đề. Mỗi đội bóng muốn lớn mạnh thì cần nâng cao năng lực quản lý”, ông Chóng cho biết thêm.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Nguyên cho rằng, như vậy mới giải quyết được phần ngọn. Cái bóng đá Việt Nam cần thay đổi là từ gốc rễ của vấn đề: “Với những gì đang có, chúng ta không nhất thiết phải đập đi xây lại nhưng phải có sự điều chỉnh kiên quyết qua mỗi năm và điều chỉnh cũng phải có lộ trình”. Ông Nguyên cũng cảnh báo rằng, nếu không thay đổi, tình trạng bỏ giải sẽ tiếp tục diễn ra ở những mùa giải tiếp theo.
Về vấn đề này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận, đúng là những năm vừa qua nhiều đội bóng Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp trong cơ cấu dẫn tới thiếu chủ động về vấn đề tài chính. Ông Lê Hoài Anh thông tin thêm, thời gian tới VFF sẽ phối hợp cùng LĐBĐ châu Á để đưa hệ thống quy chuẩn bóng đá chuyên nghiệp áp dụng triệt để tại Việt Nam nhằm buộc các đội bóng phải “chạy”. Trong đó, các tiêu chí như cơ sở vật chất, đào tạo trẻ, nguồn vốn… được đặt lên hàng đầu. “Tuy vậy, chúng ta cũng nên thông cảm vì điều kiện kinh tế xã hội ở nhiều địa phương còn khó khăn nên ngay lập tức không thể nói xây dựng bóng đá chuyên nghiệp là xây dựng ngay được”.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận