Hồ sơ tài liệu

Đằng sau tham vọng vũ trụ của Trung Quốc

17/03/2017, 08:56

Trung Quốc đang đẩy mạnh các dự án nghiên cứu, thực hành để vượt lên hàng đầu trong lĩnh vực không gian vũ trụ...

19

Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc đưa tàu vũ trụ Thần Châu và các phi hành gia lên vũ trụ 

Phát triển thần tốc

Trong bài phát biểu nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng “khám phá bí ẩn không gian vũ trụ” nhưng đến nay vẫn chưa thể phác thảo chính sách cụ thể cho hoạt động của Cơ quan quản lý Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Trong khi đó, Trung Quốc đang dốc sức tăng cường hoạt động khai thác không gian vũ trụ với các mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng.

Trung Quốc đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện khoảng 30 vụ phóng tên lửa trong năm 2017. Trước đó, Trung Quốc thực hiện 21 nhiệm vụ phóng tên lửa vào quỹ đạo; Năm trước nữa là 19 vụ. Kết quả này đưa Trung Quốc tới vị trí thứ 2, ngay sau Mỹ (với 22 vụ phóng thành công) và dẫn trước Nga (với 16 vụ phóng thành công).

Không dừng lại ở đây, báo cáo của Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố vào cuối tháng 2 cho thấy, năm 2017, CNSA sẽ phóng tàu vũ trụ chở hàng đầu tiên tới phòng thí nghiệm không gian đã được phóng thành công từ năm 2016.

Năm 2018, Trung Quốc có kế hoạch đưa người lên mặt trăng lần đầu tiên. Năm 2020, Bắc Kinh có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa - nỗ lực đã được rất nhiều cường quốc về hàng không vũ trụ như Nga, các nước châu Âu... thực hiện nhưng đến nay mới chỉ có Mỹ thành công.

“Mục tiêu chung của chúng tôi là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những cường quốc không gian vũ trụ lớn trên thế giới”, ông Wu Yanhua, Phó cục trưởng Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Trung Quốc khẳng định. Ngoài ra, dù không nhắc tới trong kế hoạch 5 năm nhưng giới chức hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết, họ sẽ đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào khoảng giữa những năm 2030 của thế kỷ 21.

Kế hoạch trên là minh chứng cho khả năng phát triển ngày càng mạnh của chương trình không gian vũ trụ đang nở rộ của Trung Quốc ở những lĩnh vực mà trước đây nhiều nước phát triển về không gian vũ trụ khác, điển hình như Mỹ, chiếm lĩnh.

Chương trình không gian vũ trụ do quân đội Trung Quốc kiểm soát bắt đầu thực hiện từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, ở thời điểm, Mỹ và Liên Xô khởi động cuộc đua hàng không vũ trụ. Nhưng kế hoạch phát triển liên tiếp bị trì hoãn vì tình hình chính trị nội bộ rối ren. Các chuyên gia nhận định, lúc khởi động chương trình hàng không vũ trụ, Trung Quốc đi chậm, thậm chí bị các nước hàng đầu về hàng không vũ trụ bỏ xa. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc là nước thứ 3 đưa được phi hành gia lên vũ trụ.

Lần đầu tiên Trung Quốc đưa một phi hành gia vào vũ trụ từ năm 2003. Ông Yang Liwei, cựu phi công lái máy bay chiến đấu đã đi vòng quanh quỹ đạo Trái đất trong 21 giờ bằng tàu không gian vũ trụ Thần Châu, được phóng bằng tên lửa Trường Chinh. Từ đây, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc khám phá không gian vũ trụ.

Năm 2007, tên lửa Trường Chinh đưa tàu thám hiểm mặt trăng Hằng Nga-1 bay vòng quanh mặt trăng trong 15 tháng. Năm 2011, CNSA phóng trạm Thiên Cung-1, một bộ phận đầu tiên của nguyên mẫu phòng thí nghiệm tương tự như Trạm Vũ trụ quốc tế.

Một năm sau, tàu vũ trụ Thần Châu đưa ba phi hành gia bao gồm một phi hành gia nữ Liu Yang, đáp thành công lên Thiên Cung-1. Trung Quốc quay trở lại mặt trăng vào năm 2013 và đặt thiết bị tự hành đầu tiên lên mặt trăng.

Dù CNSA đã mất kiểm soát đối với trạm Thiên Cung-1 nhưng đã sớm đưa trạm vũ trụ Thiên Cung-2 vào vũ trụ. Tháng 11 vừa qua, hai phi hành gia Trung Quốc đã có 30 ngày làm việc tại Thiên Cung-2, một nhiệm vụ dài hơi nhất của Trung Quốc để nghiên cứu cách sống và làm việc trong môi trường không trọng lượng. Mỹ và Nga đã mất nhiều năm nghiên cứu về cách tồn tại trên quỹ đạo trong Trạm Vũ trụ quốc tế nhưng với Trung Quốc, đây là hoạt động đầu tiên.

Khoa học hay chính trị?

Nhận định về tốc độ phát triển và hoạt động của Trung Quốc, Giáo sư danh dự tại Đại học George Washington, ông John Logsdon, người sáng lập Viện Nghiên cứu chính sách không gian vũ trụ năm 1987 cho biết, các hoạt động không gian vũ trụ của Trung Quốc “thể hiện mục tiêu mà bất cứ đất nước nào có tham vọng trở thành cường quốc vũ trụ đều mong muốn theo đuổi”.

Dù khả năng vũ trụ của Trung Quốc có thể còn tụt hậu so với Nga và Mỹ, đặc biệt trong vấn đề khai thác sâu trong vũ trụ nhưng các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang ngang hàng với châu Âu.

Ông Logsdon còn cho biết, dù mỗi lần Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ vũ trụ nào, báo chí đều đăng tải với những dòng tít giật gân rằng Bắc Kinh đang chạy đua vũ trụ nhưng trên thực tế thì chưa hẳn hoàn toàn như vậy. Thăm dò vũ trụ luôn là nhiệm vụ mà Trung Quốc cũng như các nước khác thực hiện nhằm tìm kiếm lợi ích địa chính trị hơn là mục đích khám phá khoa học. Mỹ và Nga đã thực hiện hết cuộc phóng này tới cuộc phóng khác trong khoảng giữa thế kỷ nhưng không đặt mục tiêu khoa học lên đầu tiên và trước hết; Thay vào đó, họ đặt danh dự của quốc gia lên hàng đầu.

Các chương trình hàng không vũ trụ quân sự và dân sự của Trung Quốc cùng những động cơ của họ đều liên kết chặt chẽ với nhau. Ông Dean Cheng, nghiên cứu sinh cấp cao tại Quỹ Heritage Fund (trụ sở tại Thủ đô Washington, Mỹ) nhận định: “Khi nước bạn là đất nước đầu tiên thực hiện các cuộc nghiên cứu ở tận mặt trăng thì nó phần nào thể hiện khoa học và công nghệ, cũng như ngành Hàng không vũ trụ của đất nước bạn… Từ đó, nó có tác dụng quy chiếu tới các vấn đề khác (trong đó có cả vấn đề tranh chấp, cạnh tranh với các nước khác) trên Trái đất”.

Mặt khác, tại Trung Quốc, các hoạt động không gian vũ trụ (dân sự hay quân sự) đều được sử dụng để nâng cao tinh thần yêu nước. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất thường đề cập tới chương trình không gian vũ trụ để quảng cáo trên sản phẩm của họ nhằm đảm bảo chất lượng với khách hàng. Ông Dean Cheng chia sẻ, từng có lần uống một chai nước khoáng dán nhãn hình ảnh phi hành gia Trung Quốc cùng thông điệp “nước được sử dụng trên tàu Thần Châu”.

Nếu xét riêng về tầm quan trọng của các hoạt động vũ trụ, Trung Quốc chú trọng vào các hoạt động trên Mặt Trăng, đặc biệt là những nhiệm vụ có sự tham gia trực tiếp của phi hành gia nhằm củng cố vị trí của họ trong lĩnh vực không gian vũ trụ.

“Các chuyến bay vào vũ trụ có sự tham gia của con người thường được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao và có chi phí đắt nhất. Song, chúng không mang đến nhiều lợi ích về mặt khoa học mà mang nhiều ý nghĩa về địa chính trị”, ông Gregory Kulacki, nhà phân tích cấp cao và Giám đốc quản lý Trung Quốc tại Liên đoàn Các nhà khoa học cho biết.

Theo ông Gregory Kulacki, nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã tham vấn với chính phủ rằng, việc đưa rô-bốt thực hiện các nhiệm vụ trong vũ trụ sẽ mang đến nhiều cơ hội khám phá vũ trụ và chi phí thấp hơn nhưng thực tế không “hoành tráng” bằng việc một phi hành gia có thể tươi cười tạo dáng trên mặt trăng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.