Các công trình trái phép mà Bắc Kinh xây dựng trên Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh vệ tinh) |
Trong chuyến thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhà Trắng hồi tháng 9 năm ngoái, ông Tập đã khiến nhiều người chú ý với những phát ngôn khẳng định Trung Quốc không theo đuổi quân sự ở Biển Đông: “Trung Quốc không hề có ý định quân sự hóa”, Chủ tịch Trung Quốc nói trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong khi đó, Bắc Kinh liên tiếp cho đóng cọc, nạo vét cát và bê tông, bồi lấp trái phép, xây đường băng và các cơ sở chứa máy bay trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cũng cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng và lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các ý đồ xây dựng trái phép ở Biển Đông. Những hình ảnh được thu thập và phân tích kỹ lưỡng bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) – một tổ chức nghiên cứu chiến lược có trụ sở ở Washington.
Theo đó, Trung Quốc đang tiếp tục gia cố trái phép các cơ sở chứa máy bay trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại thời điểm các ảnh vệ tinh được chụp, không có máy bay quân sự của Trung Quốc xuất hiện. Song, một bản phân tích của CSIS cho thấy, các nhà chứa máy bay trên các đá thuộc quần đảo Trường Sa có thể “chứa bất kỳ máy bay chiến đấu nào thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc”.
Trong số các nhà chứa máy bay mà Bắc Kinh cho xây dựng trái phép ở Biển Đông, có một cơ sở có thể chứa các máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp nhiên liệu tàu chở dầu H-6U, máy bay vận tải Y-8, máy bay cảnh báo sớm KJ-200 và hệ thống điều khiển máy bay, theo CSIS.
Về phần mình, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng các cơ sở chứa máy bay trái phép này “chỉ dùng cho các máy bay dân sự hoặc phi quân sự khác”. Thế nhưng CSIS lại tính toán được từ hình ảnh vệ tinh, rằng kích thước của các nhà chứa có thể đủ để chứa một máy bay chiến đấu lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Các công trình trái phép Trung Quốc xây dựng trên Đá Subi, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh vệ tinh) |
Gregory B. Poling – Giám đốc trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho rằng, Trung Quốc đang đi xa hơn rất nhiều cái gọi là “xây dựng cho mục đích dân sự” ở Biển Đông. Nhà chứa máy bay lớn nhất của Trung Quốc có chiều rộng tới 200 feet (khoảng 61m), “quá đủ cho một máy bay ném bom chiến lược”, ông Poling nói.
Những bằng chứng và phân tích mà CSIS đưa ra về các nhà chứa máy bay quân sự ở Biển Đông được kết luận khoảng 1 tháng sau khi Tòa Trọng tài quốc tế tại The Hague bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc khẳng định chủ quyền, xây dựng và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo.
Theo các nhà phân tích, phán quyết này là một đòn giáng tâm lí mạnh mẽ với Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc luôn “rêu rao” sẽ không chấp nhận và thực thi nó. Song, các nhà quan sát cho rằng, chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm cho uy tín của một quốc gia như Trung Quốc suy giảm không ít trên trường quốc tế.
Chưa kể, các hành động xây dựng, bồi đắp trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông càng khiến cho mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, rằng Bắc Kinh từ trước tới nay vẫn luôn “nói một đằng, làm một nẻo”, đi ngược lại hoàn toàn tuyên bố “chắc nịch” của Chủ tịch Trung Quốc: Bắc Kinh “không quân sự hóa” Biển Đông.
Xem video Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận