Vợ chồng Mark Zuckerberg hiến tặng tài sản vì họ muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn, để Max - con gái họ trưởng thành trong thế giới đó. |
Ngay sau khi Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ quyên góp khoảng 45 tỷ USD, tương đương 99% giá trị cổ phần tại Facebook của hai vợ chồng họ, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là hành động làm đẹp hình ảnh vì Mark và vợ quyết định sử dụng một công ty TNHH để quản lý số tiền này thay cho việc thành lập một quỹ từ thiện.
Thực hư chuyện tài phiệt làm từ thiện
Làm từ thiện trong giới tài phiệt không phải chuyện lạ. Rất nhiều tỷ phú trên thế giới bỏ tiền ra làm từ thiện và vài người trong số đó bỏ ra rất nhiều tiền, thậm chí là phần lớn tài sản của mình. Cách đây 5 năm, Warren Buffett cùng với Bill và Melinda Gates phát động chiến dịch “Giving Pledge” (Cam kết Hiến tặng) vận động các tỷ phú Mỹ cam kết dành ít nhất một nửa tài sản của họ vào công tác nhân đạo và từ thiện.
Tính đến giữa năm 2015, có 130 cặp vợ chồng và cá nhân từ 14 quốc gia ký tên tham gia chiến dịch này. Cam kết này không phải một hợp đồng mang tính pháp lý mà thiên về mặt đạo đức. Phần lớn các tỷ phú giàu có nhất nước Mỹ đã tham gia cam kết như: Giám đốc điều hành Oracle Larry Ellison với tài sản 54,3 tỷ USD, Mark Zuckerberg 45 tỷ USD, Michael Bloomberg 35,5 tỷ USD, nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn 22,2 tỷ USD, nhà đồng sáng lập Microsoft Pall Allen 17,5 tỷ USD, nhà sáng lập Tesla Elon Musk 13,3 tỷ USD.
Lý do những người này chấp nhận tặng tài sản cho công tác nhân đạo, từ thiện vô cùng đa dạng. George B. Kaiser - tài sản 9,2 tỷ USD kiếm được từ ngành Công nghiệp dầu mỏ, khí đốt và ngân hàng nói: “Chính cảm giác tội lỗi khiến tôi ký Cam kết hiến tặng. Tôi nhận ra từ rất lâu rằng, tài sản của tôi được tạo ra không phải vì tôi là một người kiệt xuất hay do các sáng kiến mà vì tôi đã may mắn. Tôi muốn dùng tài sản của mình hỗ trợ giải quyết tận gốc rễ vấn đề nghèo đói và đảo ngược chu kỳ nghèo đói mang tính thế hệ”.
Mark Zuckerberg và con gái. |
Vladimir Potanin - một tài phiệt, tỷ phú Nga được Forbes xếp vào danh sách một trong những người giàu nhất nước Nga và giàu thứ 60 trên thế giới nói: “Tôi nhìn nhận tài sản của mình giống như gánh nặng đặt lên con cái. Gánh nặng về sự giàu có thái quá sẽ khiến bọn trẻ không có động lực để giành lấy bất cứ thứ gì trong cuộc sống riêng của chúng. Tôi muốn tài sản của mình được dùng cho phát triển giáo dục, văn hóa và hoạt động từ thiện, đặc biệt tại nước Nga”.
Cặp vợ chồng Harold Hamm và Sue Ann Arnall sau vụ ly hôn đắt giá nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng ủng hộ rất nhiều tiền cho từ thiện. Người vợ góp phần lớn tài sản cho trẻ tự kỷ trong khi người chồng dành phần lớn tài sản trị giá 11,5 tỷ USD cho công tác nghiên cứu bệnh tiểu đường.
Đối với Mark và Priscilla Chan, tuyên bố từ thiện đã đem về giá trị danh tiếng và hình ảnh cho đôi vợ chồng này; Vượt xa những gì số cổ phiếu kia mang lại. Tuy nhiên, câu hỏi về việc hiến tặng cổ phần để tránh thuế cũng ngay lập tức được đặt ra bởi quyết định lập công ty TNHH, thay vì đổ tiền vào một quỹ từ thiện có sẵn hoặc thành lập quỹ mới.
“Lãnh chúa mới từ Thung lũng Silicon”
Mark và vợ từ chối việc mở ra một quỹ từ thiện hoạt động phi lợi nhuận, họ lập công ty TNHH để quản lý số tiền đó. Tuy nhiên, hành động đó thực chất giống như việc bỏ tiền từ túi này sang túi khác mà thôi. Một công ty TNHH có thể đầu tư vào những công ty sinh lời thường được biết đến như những kiểu công ty trách nhiệm xã hội.
Một công ty TNHH có thể đóng góp cho các đảng phái chính trị, tham gia vào quá trình vận động cơ chế, chính sách, luật pháp. Vì thế, Mark sẽ hoàn toàn giữ quyền kiểm soát tiền và tiêu tiền vào việc anh ta mong muốn. Thật ra, tất cả người Mỹ đều muốn như vậy; Nhưng nếu xem xét trên khía cạnh xã hội, không ai gọi hành động đó là từ thiện. Đặc biệt trong trường hợp vợ chồng ông chủ Facebook đều rất chủ động quan tâm đến chính trị.
Bên cạnh đó, một quỹ từ thiện luôn bị kiểm soát rất chặt chẽ và tuân theo nhiều quy định pháp luật. Mỗi năm, các quỹ phải phân bổ một tỷ lệ % tài sản nhất định vào công tác từ thiện. Với công ty TNHH “từ thiện”, Mark sẽ tránh được việc này và không phải tuân thủ bất cứ quy định nào về sự minh bạch.
Trong vô số ý kiến và bài báo tán thưởng hành động hào phóng của Mark và vợ, phần lớn cho rằng Mark còn quá trẻ để tính đến kế hoạch tặng tài sản của mình, không ai nhắc đến khía cạnh thuế, kể cả bài báo trên tờ Wall Journal Street. Victor Fleischer - một giáo sư luật và chuyên gia thuế tại Đại học Luật San Diego có phân tích rất sắc sảo khi nhìn việc từ thiện của Mark dưới lăng kính thuế.
Ông cho biết, nếu công ty TNHH bán cổ phiếu Facebook, Mark Zuckerberg sẽ phải trả một khoản thuế lợi vốn khổng lồ, đặc biệt khi cổ phiếu này đang tăng. Nếu công ty TNHH làm từ thiện, Mark sẽ nhận được một khoản khấu trừ thuế không đáng kể như những người khác. Tuy nhiên, công ty của Mark có thể làm tốt hơn. Động thái khôn khéo là hiến tặng cổ phiếu làm từ thiện, điều đó sẽ tạo ra một khoản khấu trừ vào giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán mà không phải chịu bất kỳ loại thuế nào.
Mark không tạo ra những luật thuế này và sẽ không bị phê phán về nỗ lực giảm thiểu hóa đơn thuế của mình. Nếu thành lập một quỹ từ thiện, Mark vẫn được hưởng những lợi ích về thuế tương tự, nhưng việc Mark đang làm giúp anh bảo vệ nguyên vẹn một trong những tài sản giá trị nhất thế giới mà không bao giờ phải trả bất cứ khoản thuế nào trên đó. Trên thực tế, bất cứ nhà tài phiệt giàu có nào khi hiến tài sản làm từ thiện đều hướng tới việc làm đẹp hình ảnh, phát triển quan hệ công chúng và giảm hóa đơn thuế.
Quan tâm đến chính trị, là tỷ phú sống trong thời đại nơi các “đầu sỏ” chính trị lên ngôi, Mark Zuckerberg với thương vụ từ thiện “đình đám” hứa hẹn sự xuất hiện sớm trên vũ đài quyền lực của một “lãnh chúa đến từ Thung lũng công nghệ Silicon”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận