Tiếp chúng tôi tại chung cư cao cấp bậc nhất Hà Nội, danh ca Khánh Ly mặc chiếc váy lụa hoa văn màu vàng tinh tế, tóc bới cao sang trọng. Nhưng câu chuyện bà chia sẻ là về một con người rất đời, “một bà mẹ quê” như bà tự nhận.
Danh ca Khánh Ly trong lần này trở lại Việt Nam này, bà gọi đó là chuyến đi "dối già"
"Có thể đóng lại con đường mình đã đi"
60 năm ca hát trong cuộc đời, trở lại Việt Nam lần này với bà dường như là sự “dối già”. Và những lần trở về của bà để trả nợ quê hương?
Ai sinh ra đều nợ quê hương của mình. Không riêng gì tôi. Nếu như một người mẹ chăm con như vậy, mẹ buồn, là con, ai cũng có lỗi cả. Nếu quê hương mình xảy ra chuyện gì, tất cả mọi người đều có lỗi.
Nếu nói nợ, tôi nợ nhiều lắm, làm sao trả được. Người ta cho mình 60 năm đi hát để sống, mà nói về hát như là trả nợ thì không được đâu. Tôi chỉ gửi một lời chào thì đúng hơn.
Nhiều khi trong cuộc đời, mình đã không kịp cảm ơn, không kịp chào. Vậy giờ chào đi, cảm ơn đi. Ai biết trước mọi điều sẽ ra sao. Ngày hôm nay mình còn ngồi đây... Hãy nhìn trận covid-19 vừa rồi đi, có những người bạn tôi ra đi chưa kịp gửi lời chào lại. Đời vô thường lắm!
Nên giờ đây mình về, để gặp gỡ những người thương mình, gặp gỡ những mảnh đất con người từng nuôi dưỡng mình để nếu có điều gì đó xảy ra, mình không ân hận, không hối tiếc. Nợ quê hương, cả kiếp này cũng không trả được!
Năm 1975, bà di cư sang Mỹ. Một “nữ hoàng chân đất” bỏ “vương miện” để sang xứ người, trở thành một bà mẹ quê tần tảo chăm chồng con và đi hát. Bà có thực sự buồn?
Đương nhiên ai cũng buồn. Chẳng ai vui khi rời xa đất nước của mình, rời xa nơi mình được sinh ra, lớn lên, dẫu chỉ là 30 năm. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình sống tử tế thì ở đâu cũng vậy.
Tôi đã đến lúc mình vẫy tay chào cuộc đời để vào một cõi bình an, không còn giận hờn, buồn lo, nhớ mong. Để chuẩn bị những ngày như thế được tốt hơn, mình đến gặp mọi người và chào đi. Bởi vì sợ lúc không nhìn thấy nhau nữa, không còn cơ hội để nói với nhau lời chào. Ý nghĩa trở về hát lần này là vậy, cũng có thể nghĩ là mình đóng lại con đường mà mình đã đi.
Hình ảnh danh ca Khánh Ly khi còn trẻ (ảnh tư liệu)
“Hình như, mình cũng chỉ là người lạ…”
Trong chuyến đi lần này, bà đã dừng chân để hát tại Đà Lạt, nơi mà 60 năm trước bà đã gửi tiếng hát thanh xuân của mình ở đó. Xúc cảm trở lại lần này của bà ra sao?
Khi tôi bắt đầu đi hát với ông Trịnh Công Sơn từ những “Ca khúc Da Vàng”, khoảng thời gian đó có thể nói là đẹp nhất cuộc đời của cuộc đời tôi. Nhưng lúc đó tôi không thấu hiểu được mỗi đau, không hiểu rõ được thân phận của mình. Mơ hồ lắm! Ngay cả yêu hay ghét đều rất mơ hồ.
Phải đến khi rời xa quê hương, mới thấm được thân phận của mình rõ nét nhất qua nhạc của Trịnh Công Sơn. Trước đây, mình hát, chỉ cảm thấy ông Sơn là người rọi ánh sáng vào cõi u tối của mình. Mọi chuyện vẫn mơ màng.
Tôi tự hỏi, mình yêu quê hương, mình đâu có muốn đi. Nhưng mỗi người đều có số phận, hoàn cảnh đẩy đưa. Mình không oán trách số phận, mình chờ đợi thôi. Đến lúc nào đó việc phải đến là đến, cơ hội có, mọi người đã mở lòng với mình thì mình về.
Bà yêu thương Việt Nam đến vậy, nhưng lại không chọn cách về ở hẳn?
Dĩ nhiên ở tuổi nào đó mình trở về quê hương là điều tốt, nhưng không phải điều gì muốn là được. Tôi đi lâu quá rồi, giờ tôi trở về vẫn được mọi người đón nhận, thương yêu, không dễ ai cũng được như vậy. Nhưng hình như mình cũng chỉ là người lạ thôi!
Đến tuồi này rồi, bà vẫn còn lo lắng cho con cái rất nhiều, dù các con của bà cũng đều đã trưởng thành, có một người mẹ danh tiếng, lý do là gì vậy?
Tôi có gì để lại cho con đâu! Tôi đâu như ca sĩ trong nước, ngoài ca hát họ còn buôn bán, làm ăn. Còn tôi 40 năm chỉ ca hát bên xứ người, tôi nuôi được các con, có được căn nhà và không nợ nần gì là may mắn và giỏi lắm rồi. Đồng ý là tôi để lại cho con cái tiếng, nhưng cái tiếng cũng chẳng ăn được!
Ca sĩ Khánh Ly tại Đà Lạt trong chuyến về Việt Nam lần này. Bà đã có những đêm ca nhạc tại Đà Lạt.
Làm tất cả vì con
Cách lo lắng, chăm bẵm cho con, sắp đến tuổi bát thập vẫn đi làm dành tiền giúp các con,… bà có thấy mình chẳng khác nào những bà mẹ quê thuở trước?
Tôi có thể nhịn ăn món ngon để cho con, khi nó không ăn, chán chê mê mỏi, bỏ đi, thì tôi ăn. Tôi sống như vậy bao nhiêu năm nay, chồng và con trước hết đã. Tôi có thể mua cho chồng bộ đồ 1.000 USD, tôi chỉ mua cho mình cái áo 100 USD.
Tôi đi hát có tiền mua mà, nhưng rồi khi con sa cơ lỡ vận, cần món tiền lớn, mình lấy gì mà cho. Chi bằng mình dành dụm đi, khi nào con cần, cho nó.
Những việc nặng nhọc, kể cả đổ rác, tôi làm hết. Tôi không muốn cho chồng làm, con thì lại càng không. Con dâu thì tôi chiều vô cùng. Con dâu tôi chưa bao giờ nấu 1 bữa cơm, chưa bao giờ rửa một cái chén, toàn tôi làm hết. Tôi chưa bao giờ nặng lời với con, có gì tôi cho, cho hết.
Có thể tôi làm hư con, tập cho nó thói quen không biết nấu ăn. Nhưng tôi thích như vậy! Tôi muốn thấy con đi làm về, vui vẻ với bữa ăn ngon là lòng tôi vui rồi. Tôi hoàn toàn là một bà mẹ Việt Nam, là bà mẹ quê.
Tôi sống như vậy đó. Tôi muốn bù đắp tất cả mọi chuyện cho chồng, con.
Catse hiện tại của bà có đủ để sống tại Mỹ không?
Cũng đủ chứ! Nhưng nếu tôi có dư thì lại cho con!
Sau khi ông nhà mất, bà có ở với các con mình?
Tôi có 4 đứa con. Đứa con trai lớn nhất là 60 tuổi, 1 đứa con gái 59 tuổi, 1 đứa con gái 50 tuổi và 1 đứa con trai 44 tuổi. Chuyện tình tôi có “3 tập”, tập một có 2 đứa con, tập hai 1 đứa, tập ba 1 đứa, làm thế nào để chúng không ghét nhau là may. Nhưng không tránh được đâu. Tôi phải làm sao kết hợp chúng nó lại, khó vô cùng. Cho đứa này nhiều phải giấu đứa kia, cũng khổ lắm đấy!
Con trai đầu và con trai út đều có vợ con. Hai đứa con gái của tôi không chồng, đứa con gái sau về nuôi mẹ 8 năm nay rồi. Dẫu là mẹ và con gái, đôi lúc cũng có hục hặc, nhưng tôi nhịn hết, nhịn như nhịn cơm sống vậy đó, để cho con vui. Tụi nhỏ bên Mỹ, cái gì của nó cũng đúng, một là một, hai là hai, nhưng tôi lại là mẫu người phụ nữ quê “chín bỏ làm mười”.
Giờ đi xa tôi cũng lo cho con gái ở nhà một mình với 2 con chó. Bạn có tin, nó về ở nhà với tôi 8 năm, từ khi chồng tôi còn sống, nó chỉ có đi vắng 4 lần, 3 lần đi sinh nhật và 1 lần đi xem ca nhạc. Ngày nào cũng 12h đi làm, 8h tối về nhà, thứ 7, Chủ nhật cũng không muốn đi đâu. Nó có thể ngồi vẽ truyền thần từ sáng đến đêm, từ đêm đến sáng, còn tôi ngồi với 2 con chó.
Bên Mỹ ai cũng làm, ai cũng vất vả. Bạn đừng ngạc nhiên khi tại sao tôi cứ đắn đo không phải muốn về là về được, còn các con ai lo, tiền bạc nữa.
Bà nghĩ cho chồng con nhiều vậy, các con có hiểu lòng bà?
Tôi hy vọng chúng hiểu được việc làm của tôi, hiểu được cái tình của tôi. Tôi không đòi hỏi. Con cái mà! Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Các con thương mình là may mắn, không thương thì mình phải chịu. Tôi sẵn sàng chịu đựng từ chồng đến con, đến hết đời mà không đòi hỏi gì cho mình.
Tôi thấy mình được nhiều hơn, tôi được trăm vạn người thương, các con đâu có được như thế, thì có gì đâu mà ghen với con.
Khánh Ly bên các con của mình (ảnh tư liệu)
"Ai khen người đàn bà nhiều chồng đâu"
Trở lại Việt Nam, tham gia các chương trình âm nhạc nhưng bên cạnh đó bà cũng thường xuyên đi làm từ thiện. Bà thường trích bao nhiêu lợi nhuận từ catse để làm việc đó?
Tiền từ thiện do nhà sản xuất chương trình ca nhạc trích ra. Họ vẫn trả catse cho tôi, nhưng chính vì lẽ ấy nên không bao giờ tôi đòi cao, coi như mình có đóng góp. Những mạnh thường quân, họ muốn làm từ thiện cùng tôi thì tự chủ động mua đồ, hoặc muốn tặng tiền thì họ sẽ đến thẳng đó để tặng, chứ không thông qua tôi.
Không có tiền, bạn nói hay lắm, nhưng khi người ta đưa nhiều tiền, ai cấm bạn tham. Nhón tay một ít, ai biết gì đâu, có đáng gì đâu, nhưng dần thành thói quen. Cho nên, tôi không nhận tiền của ai, để giữ mình là quan trọng nhất. Lòng tham con người không nói được. Chỉ một giây lỡ lầm thôi là cuộc đời bạn tiêu, sự nghiệp cũng tiêu theo luôn.
Làm vậy là vì bà là người trọng danh dự, sợ tiếng xấu vấy bẩn?
Tôi sợ lắm! Ra đường, không hàng hiệu nhưng chỉnh tề. Mặt mũi cũng vậy, không lòe loẹt nhưng đừng để người ta thất vọng. Đi đứng thẳng thắn, ngồi với bạn bè không lớn tiếng, không chửi thề, không làm phiền ai cả… luôn giữ như vậy thì họ mới thương mình.
Mình không phải bà con bạn bè, họ phải bỏ tiền đi nghe mình hát thì mình đâu có quyền làm cho họ thất vọng.
Nhiều khi, những cái đó nói ra không phải ai cũng hiểu mình, trong nghề nhiều người họ sống khác lắm. Thôi mình cứ giữ thân mình. Ít ra các con không mang tiếng vì có một người mẹ chẳng ra gì. Với tôi, một người có đến 3 người chồng, chẳng có hãnh diện gì cả! (cười)
Bà đùa vui vậy chứ!
Đâu ai khen người đàn bà nhiều chồng đâu bạn. Người ta khen người đàn bà chính chuyên một chồng. Nhưng số mình là vậy! Mình không bỏ người ta, mà người ta bỏ mình đấy.
Đàn ông người ta không hạnh phúc khi lấy một người vợ lanh, tính đàn ông. Chồng tôi có công ăn việc làm đàng hoàng, không dựa vào tôi, nhưng tôi có tiền, có tiếng, người chồng lấy tôi là đầy mặc cảm. Điều đó ảnh hưởng đến hạnh phúc nhiều lắm, cho nên họ phải đi tìm những người ở ngoài để thể hiện mình.
Chồng như thế, làm sao bạn chịu nổi. Bạn đau đớn, khổ sở nên người ta phải buông thôi. Có nhiều người không thể tha thứ được, không thể quên được. Nếu biết một người chồng phụ mình, bạn có sống được không? Rồi những chuyện đó khó nói với ai lắm. Có ai dám vỗ ngực rằng mình bị chồng bỏ? Chỉ có người điên như tôi thôi! (cười)
Nhưng bị bỏ rồi thì bạn phải lấy chồng chứ! Lần thứ 3 tôi không yêu đâu, nhưng tôi nghĩ thế đủ rồi! Yêu hay không cũng ráng chịu! Nhìn vào các con này, 2-3 dây con khổ lắm rồi. Nhiều khi, chuyện của mình là kinh nghiệm, có thể là lời an ủi, vỗ về một ai đó như tôi ngoài kia, như nhạc Trịnh Công Sơn vậy, người ta nghe nhạc ông họ được chia sẻ, an ủi.
Nhìn lại những năm tháng đi qua, có khi nào bà tiếc nuối về điều gì đó?
Không! Nhiều khi tôi bằng lòng với số phận mình. Nhiều khi không muốn thay đổi!
Xin cảm ơn và chúc bà sức khỏe!
Ca khúc Như một lời chia tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do danh ca Khánh Ly thể hiện:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận