Dự thảo đánh giá cán bộ công chức được xây dựng theo hướng quy trách nhiệm đánh giá cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị |
Tại cuộc Hội thảo đánh giá kết quả làm việc của công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước do Bộ Nội vụ tổ chức vào sáng 3/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã thẳng thắn đưa ra nhận xét: Hiện nay, việc đánh giá chất lượng công chức trong các cơ quan sự nghiệp, hành chính Nhà nước vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa thực chất.
Xếp loại kém rất ít
Vụ Công chức, viên chức cho biết, thực tế trong những năm trước đây, kết quả đánh giá công chức hàng năm đa phần là xuất sắc. Số lượng công chức được xếp loại kém là rất ít, thường là do vi phạm kỷ luật.
Xảy ra tình trạng nêu trên là do tiêu chí đánh giá, xếp loại chưa gắn với từng vị trí việc làm và từng công chức. Cũng chưa chú trọng đến kết quả, trách nhiệm thực hiện công vụ, nhiệm vụ của công chức.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, phương pháp đánh giá thông qua lấy ý kiến của công chức trong cùng cơ quan, đơn vị qua bình bầu luôn bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ quan và tình trạng các mối quan hệ cá nhân. Do đó chưa thể hiện được chính xác và khách quan đối với thực hiện nhiệm vụ của từng công chức.
Bên cạnh đó, việc xử lý kết quả, đánh giá công chức hàng năm chủ yếu là phục vụ công tác bình xét thi đua cuối năm, chứ chưa có những chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Chưa phân biệt được người tận tụy và người lười biếng
Trước kết quả báo cáo về việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã phải đặt câu hỏi: “Nếu các cán bộ, công chức, viên chức đều tốt hết thì cần gì phải cải cách cán bộ nữa?”.
Ông Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức theo Luật Công chức, viên chức 2008 là chưa phản ánh đúng thực trạng cán bộ công chức. “Việc đánh giá cán bộ chưa đạt được như mong muốn, chưa đánh giá được người làm tốt và người làm chưa tốt, cũng chưa phân biệt rõ được người tận tụy với người lười biếng”, ông Tuấn cho biết thêm, cuối tháng 12 này, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ dự thảo đánh giá cán bộ công chức.
Theo đó, dự thảo sẽ được xây dựng theo hướng quy trách nhiệm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Cụ thể là cấp trên đánh giá cấp dưới, người giao việc đánh giá người được giao việc. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng sẽ nghiên cứu cách đánh giá công chức theo hướng quy định việc xử lý đối với những người có chất lượng thực thi công việc kém như bố trí công tác khác, xử lý kỷ luật hoặc thậm chí buộc thôi việc mà không nhất thiết phải sau hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Còn đối với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực thi công vụ có thể được đặc cách bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn, được nâng bậc lương trước thời hạn.
Quảng Ninh chỉ có 10 công chức không hoàn thành nhiệm vụ Theo số liệu của Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), tổng số công chức được đánh giá, phân loại của các Bộ, ngành, địa phương năm 2013 là 536.550 người. Trong đó mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ loại xuất sắc và loại tốt chiếm tỷ lệ rất cao (92,58%). Trong khi đó, số công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 5,6%). Cụ thể, tại Đà Nẵng, số cán bộ, công chức xếp loại tốt chiếm khoảng 55-65%, mức khá từ 23-35%, mức trung bình hoặc hoàn thành nhiệm vụ cũng chỉ chiếm 5-15%. Tại Quảng Ninh, năm 2013, trong số 3 nghìn công chức toàn tỉnh thì chỉ có 10 công chức không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm tỷ lệ là 0,3%); 72 công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế (chiếm 2%). |
Hoài Thu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận