Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn là 1 trong 10 dự án đã được phê duyệt ĐTM (Trong ảnh: Cầu Nam Bình xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Tạ Tôn |
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã kiến nghị Quốc hội cho phép trong bước nghiên cứu tiền khả thi (phê duyệt chủ trương đầu tư dự án) chỉ sơ bộ đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Việc lập, phê duyệt báo cáo ĐTM sẽ được thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi (phê duyệt dự án đầu tư).
Nghiên cứu tiền khả thi chỉ sơ bộ đánh giá tác động môi trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 18 ngày 14/2/2015 của Chính phủ, dự án thuộc đối tượng phải lập, phê duyệt báo cáo ĐTM làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, dự án được triển khai nghiên cứu trên địa bàn rất rộng, trải dài qua 20 tỉnh, thành phố, phạm vi xây dựng trên địa bàn 16 tỉnh, với gần 500 xã, phường và được chia thành 20 dự án thành phần. Nếu lập báo cáo ĐTM trong bước nghiên cứu tiền khả thi sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí để tiến hành khảo sát, tham vấn cộng đồng tại từng địa phương cấp xã và lập báo cáo.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong quá trình đánh giá sơ bộ tác động môi trường và giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện bài bản, khoa học theo các quy định hiện hành. Bộ GTVT cũng đã lấy ý kiến thống nhất của tất cả các vụ, tổng cục, cục có liên quan của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT trước khi hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Hơn nữa, đối với các dự án giao thông không có nguy cơ gây sự cố môi trường như các dự án sản xuất công nghiệp (nhà máy hóa chất, nhà máy thép, điện hạt nhân…), các số liệu được nghiên cứu, thu thập trong bước nghiên cứu tiền khả thi chưa đủ để lập báo cáo ĐTM.
“Theo quy định tại Điều 35, Luật Đầu tư công, việc đánh giá ĐTM trong bước nghiên cứu tiền khả thi cũng chỉ ở mức phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội của dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Đặc biệt, trước đây, trong quá trình nghiên cứu Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho toàn bộ mạng đường bộ cao tốc này. Báo cáo đã được Bộ TN&MT thẩm định và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016. Theo đó, các vấn đề môi trường chính đã được xem xét và có thể ngăn ngừa, giảm thiểu thông qua các biện pháp quản lý và kỹ thuật trong quá trình thực hiện các dự án thành phần trong quy hoạch.
“Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, trong tổng số 20 dự án thành phần, đến nay đã có 12 dự án đã và đang thực hiện đánh giá ĐTM, trong đó 10 dự án đã được Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt. Các dự án còn lại, đơn vị tư vấn đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu cập nhật để đánh giá ĐTM sơ bộ cho toàn bộ dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết, 10 dự án đã được phê duyệt ĐTM, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Vinh, La Sơn - Túy Loan, Nha Trang - Phan Rang, Phan Rang - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
“Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện đánh giá sơ bộ ĐTM của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công để làm cơ sở trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành lập báo cáo ĐTM chi tiết cho từng dự án thành phần theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin.
Dự án không chiếm dụng đất khu bảo tồn quốc gia
Liên quan đến việc thực hiện đánh giá sơ bộ ĐTM dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - đơn vị tư vấn lập dự án) cho biết, theo tính toán, toàn bộ dự án sẽ chiếm dụng khoảng 6.505,1ha đất, gồm: Đất thổ cư (438ha), đất trồng lúa (1.820ha), đất nông nghiệp khác (962ha), đất lâm nghiệp, đất đồi núi và đất khác.
“Theo Nghị quyết 17 ngày 22/11/2011 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất dành cho phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020 khoảng 1,578 triệu ha. Như vậy, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ chiếm dụng khoảng 0,41% trên tổng diện tích đất dành cho phát triển hạ tầng đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất toàn quốc”, ông Sơn nói và cho biết, trong quá trình triển khai dự án sẽ phát sinh một số vấn đề về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, các vấn đề này có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế thông qua các chương trình đánh giá ĐTM, kế hoạch quản lý môi trường và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 1 (2017 - 2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng. |
Qua rà soát, dự án cao tốc Bắc - Nam cơ bản không ảnh hưởng đến các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. “Hướng tuyến của dự án sẽ không cắt qua mà chỉ đi gần các khu bảo tồn thiên nhiên: Rừng sến Tam Quy, hồ Kẻ Gỗ, Bà Nà - Núi Chúa, hòn Bà, Kalon Sông Mao, vườn Quốc gia Núi Chúa”, ông Sơn khẳng định và cho biết thêm, việc ảnh hưởng đến đa sạng sinh học chỉ xem xét theo hướng chiếm dụng các loại đất lâm nghiệp và đồi núi với khoảng 2.952ha.
“Tuy nhiên, việc chặt hạ cây cối dọc các đoạn tuyến cũng được xác định là không ảnh hưởng đáng kể tới hệ sinh thái do trong phạm vi giải phóng mặt bằng dọc theo các đoạn tuyến chủ yếu là hệ sinh thái nông nghiệp và rừng trồng, thảm thực vật tự nhiên chủ yếu là cây bụi và các loại cây gỗ nhỏ, loại thường và không có loài quý hiếm hoặc có giá trị bảo tồn”.
“Khi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường nhất định. Nhưng xét về lợi ích kinh tế và xã hội của dự án mang lại sẽ bù đắp được phần mất mát khó tránh khỏi về môi trường. Mặt khác, các tác động tiêu cực đến môi trường có thể giảm thiểu được bằng các biện pháp quản lý và kỹ thuật được chi tiết hóa trong các giai đoạn tiếp theo của dự án”, ông Sơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận