Hình ảnh thường thấy hiện nay: Các phương tiện vô tư lấn làn buýt nhanh BRT Hà Nội |
Không xử nghiêm gây bất bình đẳng
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, các Đội CSGT phụ trách địa bàn có tuyến đường BRT đi qua chỉ xử lý 745 trường hợp phương tiện vi phạm lưu thông vào đường BRT. Trong đó, có 167 ô tô, còn lại là xe máy. Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đối với tuyến đường BRT, lực lượng CSGT mới chỉ tiến hành xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm, còn lại chủ yếu người điều khiển phương tiện lưu thông vào đường BRT trong các giờ cao điểm, lực lượng CSGT nhắc nhở, tuyên truyền là chính.
TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch quản lý GTVT (trường ĐH GTVT) cho rằng, việc nhiều phương tiện bất chấp đi vào làn BRT cho thấy sự bất cập của việc dành một làn đường cho BRT, trong khi lượng người tham gia giao thông trên các phương tiện khác lớn hơn rất nhiều so với số hành khách đi trên tuyến. “Tâm lý đám đông nếu thấy người khác vi phạm mà không bị xử lý, mọi người sẽ hùa theo để vi phạm”, TS. Bình nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, trục đường Kim Mã - BX Yên Nghĩa chỉ có có ba làn, trong đó đã ưu tiên dành riêng một làn cho xe buýt nhanh. 26 xe hiện tại chưa đảm bảo được tần suất, các phương tiện còn lại mất đi rất nhiều diện tích lưu thông nên tình trạng ùn tắc, người nọ theo người kia lấn chiếm làn cấm, cản trở hành trình của buýt nhanh là điều khó tránh.
Có lãng phí hạ tầng?
Nhiều ý kiến cho rằng, ở nước ngoài tần suất buýt nhanh BRT rất cao, thậm chí chỉ khoảng 30 giây có một lượt xe, nên làn riêng phát huy hiệu quả cao. Còn tuyến buýt BRT Kim Mã - BX Yên Nghĩa với tần suất 5-10-15 phút/chuyến quá ít, thời gian trống rất lớn. Trong khi hàng nghìn phương tiện chen chúc nhau lưu thông trên hai làn, một làn còn lại trống trơn là rất lãng phí. Sự “đặc quyền” làn riêng của buýt BRT trở nên lãng phí”.
"Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, tính toán lưu lượng đi lại trên trục đường có xe buýt nhanh đi qua, phải chọn những tuyến có sự kết nối tốt với lộ trình của các phương tiện khác, tránh trường hợp hành khách xuống xe BRT xong lại không biết đi tiếp chuyến xe nào để có thể đến được điểm cần tới”. Chuyên gia giao thông |
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho biết, hiện tại, Ngân hàng Thế giới cũng đang giúp một số nước phát triển như: Ecuador, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Brasil... phát triển buýt nhanh. Tuy nhiên, hầu hết đường sá tại các nước này đều được đầu tư làm 6 làn xe, một làn dành cho xe buýt nhanh được ngăn cách bằng gờ bê tông cao và cứng. Vì vậy, dù lượng phương tiện rất lớn nhưng ngành giao thông của các quốc gia này không vướng phải những tình huống “khó xử” như Hà Nội, nên lưu thông luôn được kiểm soát và luôn được người dân ủng hộ, chấp hành.
Theo ông Thủy, buýt nhanh muốn thành công, trong 1 giờ phải vận chuyển được từ 8.000 - 12.000 hành khách. Tức là trong 1 ngày, số hành khách lựa chọn buýt nhanh BRT phải cán mức từ 2-3 vạn lượt khách. Tuy nhiên, hiện theo thống kê của TP Hà Nội, mỗi ngày buýt BRT chỉ đạt hơn 13.000 lượt khách. Cùng đó, buýt nhanh BRT cần được áp dụng hệ thống giao thông thông minh để điều hành, đồng thời giảm tối đa số lượng ngã tư, điểm nút giao cắt lớn, đường phải thông suốt một tuyến, không được đứt đoạn. “Nếu những yếu tố trên chưa được đảm bảo, Hà Nội nên tập trung nâng cao chất lượng của xe buýt thường: Thời gian đúng giờ hơn, thái độ phục vụ tốt hơn để tránh gây lãng phí nguồn ngân sách, tránh cho ra đời dịch vụ công cộng không đáng đồng tiền, bát gạo”, ông Thủy cho hay.
TS. Đinh Thị Thanh Bình cho biết thêm, ngoài tồn tại về bố trí làn đường và xử phạt lấn làn, BRT còn nhiều bất cập trong việc tiếp cận nhà chờ, phân bổ tần suất hoạt động. Đa số hành khách hiện nay đi bộ đến nhà chờ, nên để hấp dẫn họ hơn nữa cần phải cải thiện tiếp cận các nhà ga BRT như: Phát triển các bãi đỗ, cải thiện điều kiện sang đường an toàn cho hành khách, bố trí các điểm dừng, đỗ buýt thường và đón, trả khách cho xe taxi, xe ôm gần các ga BRT. “Đặc biệt, tại các ga BRT có lượng hành khách ra - vào lớn, tới đây rất cần điều chỉnh hoặc bổ sung các tuyến buýt thường để tăng cường kết nối với các nhà chờ BRT”, TS. Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận