Thị trường

“Đánh thức” tiềm năng tiết kiệm năng lượng – Bài 1: Thấp thỏm vì…điện

26/08/2022, 07:05

Nhiều nguồn điện ổn định lớn, đóng vai trò nguồn điện chạy nền vẫn đang chậm tiến độ, Việt Nam đối diện nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần.

Năng lượng (than, điện, dầu, khí) đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao, nhưng tốc độ xây dựng các nguồn điện đáp ứng nhu cầu đó lại đang chậm... Vì vậy, đòi hỏi việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng càng phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bài 1: Thấp thỏm vì…điện

Nhiều nguồn điện ổn định lớn (than, khí), đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh cung cấp điện và là nguồn điện chạy nền vẫn đang chậm tiến độ, dẫn tới thiếu hụt nguồn cấp và tỷ lệ dự phòng công suất của hệ thống điện thấp.

Điện nhiều mà vẫn thiếu

Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo - NLTT (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Dù vậy, Bộ Công thương đánh giá, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc nhưng mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống chưa cao.

“Nguồn điện NLTT được bổ sung đáng kể, song hoạt động truyền tải còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm vẫn chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương) cho hay.

img

Tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc nhưng mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống chưa cao

Thực tế, trong mùa hè năm nay, đặc biệt vào một số thời điểm nắng nóng gay gắt diện rộng, công suất tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc đã tăng rất cao.

Cụ thể, ngày 21/6/2022, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên lên mức 45.528 MW, ngày 18/7/2022, công suất tiêu thụ điện miền Bắc cũng lên cao kỷ lục ở con số 22.800 MW.

Như vậy, với đặc điểm “không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát” của gần 20.700 MW điện gió, mặt trời (do chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng – BESS), thì tổng công suất đặt của nguồn điện chỉ còn lại khoảng 56.300 MW, tức là chỉ còn khoảng hơn 10.700 MW so với đỉnh tiêu thụ mới (trong trường hợp không có nhà máy nào gặp sự cố).

Đây là mức thấp so với tiêu chí kỹ thuật “để đảm bảo vận hành hệ thống điện có sự tham gia nhiều NLTT thì phải đáp ứng có cả dự phòng mức 30-40% công suất đỉnh”, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Mới đây, việc Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc rơi vào tình trạng mất điện diện rộng đột ngột giữa thời tiết nóng bức đầu giờ chiều ngày 4/7, đã cho thấy những dấu hiệu bất ổn của hệ thống điện. Nguyên nhân là một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, gây gián đoạn cung cấp điện.

Câu chuyện dài hạn

Việc thiếu điện tại một số thời điểm không chỉ là nỗi lo hiện tại mà còn là câu chuyện dài trong tương lai.

Số liệu thực tế và dự báo cũng cho thấy, nhu cầu điện miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Ngược lại, thực tế, tăng trưởng nguồn điện tại miền Bắc lại thấp hơn so với tăng trưởng công suất cực đại (9,3% so với 4,7%).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo thông tin, nguyên nhân là do khoảng 10 dự án nguồn điện lớn ngoài EVN chậm tiến độ, nên hụt công suất khoảng 7.000 MW (miền Bắc khoảng 3.000 MW)....

img

Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải của đường dây 500kV Bắc – Trung

“Tốc độ xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam để đáp ứng như cầu tăng cao đang bị chậm, công suất đưa vào chỉ đạt 53% so với quy hoạch điện VII, đặc biệt các dự án nhiệt điện than gặp rất nhiều các khó khăn, như có thể kể đến các dự án đang gặp khó khăn như Long Phú I, Na Dương II, Quảng Tri I, Vĩnh Tân III…

Vì thế, việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh ở miền Bắc vào thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Bởi lẽ, dù chiếm gần 70% công suất đặt nguồn điện, song việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải của đường dây 500kV Bắc – Trung”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Công thương và EVN đánh giá, tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét NLTT chỉ khoảng 18%.

Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%.

Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng là trụ cột chính

Thế nhưng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành điện không để khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống và đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Bài toàn khó ở chỗ, nguồn điện có thể chạy nền tốt nhất hiện nay, vừa giúp ổn định hệ thống, vừa cho sản lượng điện lớn và góp phần cung cấp điện với giá ổn định là nhiệt điện than thì theo kế hoạch sẽ giảm dần vào năm 2030 và sẽ loại bỏ sau năm 2045. Trong khi đó, nhiều nguồn điện lớn, trong đó có cả những nhà máy nhiệt điện chạy khí (LNG) có khả năng chạy nền và đáp ứng tiêu chí “xanh, sạch” cũng gặp nhiều khó khăn về tiến độ.

Trước thực tế đó, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho HTĐ Quốc gia, đặc biệt khu vực miền Bắc như huy động tối ưu các nguồn điện; Kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc; Đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời… Tuy nhiên, đó là những giải pháp căn cơ, lâu dài, còn trước mắt, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng trong việc đảm bảo điện cho sản xuất và đời sống.

img

Nhiều thông điệp tiết kiệm điện được EVN và Bộ Công thương triển khai

“Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050”, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng nói.

Tuy nhiên, dù Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai từ năm 2006, song chúng ta sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, là đánh giá của ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương).

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, hiện nay chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam khoảng 400 kg dầu quy đổi mới tạo 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan và 60% so với Malaysia, đặc biệt so với các nước phát triển như Nhật Bản, US thì cao hơn gấp 4-5 lần. Điều này rất đáng suy nghĩ!...

Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm nhu cầu năng lượng của Việt Nam cho năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến năm 2035 là 506 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu điện cao như vậy cần khoảng 130.000 MW vào năm 2030. Bộ Công thương đánh giá, đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam.

Giai đoạn 2019-2030, VNEEP cũng đạt ra mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay, quyết liệt triển khai từ các cơ quan quản lý đến người dân, doanh nghiệp. Giới chuyên môn bày tỏ, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, việc khuyến khích tiết kiệm điện càng phải được thực hiện nghiêm túc.

“Nước đông dân và đang phát triển như Việt Nam thì vài chục năm nữa vẫn luôn trong tình trạng thiếu điện. Đặc biệt, trong những ngày hè nóng nực, thời gian qua, nhiều địa phương đã phải cắt điện sinh hoạt để ưu tiên điện sản xuất và cho các thành phố lớn. Để không phải gặp cảnh cắt điện luân phiên, thì tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cải tiến máy móc trang thiết bị tiêu tốn ít điện năng là điều người dân, doanh nghiệp nên làm”, một chuyên gia năng lượng bày tỏ.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.