Thị trường

“Đánh thức” tiềm năng tiết kiệm năng lượng – Bài 3: Cần liều “doping” vốn

28/08/2022, 15:57

Theo giới chuyên môn, ngoài khó khăn về năng lực của các bên, thì khó khăn lớn nhất để thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng là tài chính.

Năng lượng (than, điện, dầu, khí…) đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao, nhưng tốc độ xây dựng các nguồn điện đáp ứng nhu cầu đó lại đang chậm... Vì vậy, đòi hỏi việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng càng phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bài 3: Cần liều “doping” vốn

Dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) vẫn gặp khó khăn về vốn đầu tư; Các giải pháp TKNL đưa ra chưa được áp dụng triệt để; Thống kê dữ liệu của doanh nghiệp chưa đầy đủ, khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ; Doanh nghiệp chưa được cập nhật đầy đủ các văn bản về TKNL, cũng như hiểu biết của các doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế....

Nguồn cơn của sự thờ ơ

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TKNL&HQ) giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3) đặt ra các mục tiêu rất cụ thể như: Đạt mức TKNL 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019-2025 và từ 8-10% trong giai đoạn từ 2019-203; Giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6%; Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành, phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018 (VNEEP 2): Với ngành thép giảm từ 5-16,5%, ngành hóa chất tối thiểu 10%, ngành nhựa từ 21,55-24,81%, ngành xi măng tối thiểu 10.89%, ngành dệt may tối thiểu 6,80%, ngành giấy từ 9,90-18,48%, ngành rượu, bia và nước giải khát từ 4,6- 8,44%.

img

Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm hiện nay đều sử dụng phần vốn tự có để đầu tư, thực hiện các giải pháp TKNL

Bên cạnh đó, mục tiêu phải đạt khoảng 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp được tiếp cận áp dụng các giải pháp TKNL&HQ; Giảm 5% tiêu thụ xăng dầu trong ngành GTVT; Dán nhãn năng lượng 50% các sản phẩm vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình sử dụng NLTK&HQ.

Theo quy định, trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiêu thụ hàng năm khoảng trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước), phải xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng… Song, báo cáo cho thấy, năm 2021, chỉ có 30-40% cơ sở duy trì hệ thống quản lý năng lượng; 91 cơ sở kiểm toán năng lượng. Điều này cho thấy việc triển khai còn nhiều hạn chế.

Là địa phương đi đầu trong hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL), TP. Hà Nội đã tiết kiệm 122,4 KTOE (năm 2021), tương đương trên 1.900 tỷ đồng, đạt 1,57% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.

Song, đơn vị này cũng thừa nhận, còn gặp phải không ít khó khăn như: Các vấn đề về vốn đầu tư, các giải pháp TKNL đưa ra chưa được áp dụng triệt để; Thống kê dữ liệu của doanh nghiệp chưa đầy đủ, khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ; Doanh nghiệp chưa được cập nhật đầy đủ các văn bản về TKNL, cũng như hiểu biết của các doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế...

Nhiều chính sách liên quan đến việc sử dụng năng lượng được ban hành như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ triển khai trong giai đoạn 2006-2015; Luật sử dụng năng lượng TK&HQ số 50 (năm 2010); Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3); Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025…

Có 26 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ở cấp Trung ương ; 50 bộ Tiêu chuẩn quốc gia về suất năng lượng được xây dựng và triển khai trên thực tế.

Kết quả tiết kiệm năng lượng đạt được ở giai đoạn 2011-2015 tăng gần gấp đôi của giai đoạn chưa có Luật (năm 2006-2010, tiết kiệm thực tế là 3,4%, tương đương với 4,9 triệu TOE), đạt mức tiết kiệm thực tế là 5,65%, tương đương với 11,2 KTOE.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù có nhiều lợi ích khi áp dụng các giải pháp về sử dụng TKNL&HQ, tuy nhiên, việc này cũng làm cho doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc.

“Họ phải đầu tư máy móc, công nghệ, vận hành... Vướng mắc cơ bản của hầu hết các doanh nghiệp là đầu tư. Tức là, họ đang bị chi phối bởi việc làm sao có đủ nguồn lực, đủ tiền để áp dụng các giải pháp mới”, ông Nguyên nói và khẳng định, qua quan sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhưng việc tham gia vào giải pháp TKNL&HQ, vẫn còn hạn chế là do thiếu vốn.

Do đó, để giải pháp TKNL&HQ đạt hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ông Nguyên bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Chính phủ và bộ ngành quan tâm các cơ chế khuyến khích, cụ thể là thông qua hỗ trợ tài chính. Ví dụ, cơ chế cho phép các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vay ưu đãi khi áp dụng giải pháp TKNL&HQ, các quy trình thủ tục cũng đơn giản nhất có thể để tiếp cận thuận lợi... Bởi, vướng mắc nhiều quá, quy trình nhiêu khê quá thì làm hạn chế tinh thần tham gia của họ”.

Như vậy, liều “doping” về vốn là rất cần thiết, không chỉ giúp giải pháp TKNL&HQ đạt hiệu quả tốt hơn, mà còn giúp Việt Nam tiến gần hơn với cam kết phát thải. Số liệu cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm 63% tổng phát thải của Việt Nam năm 2010, và sẽ chiếm 73% đến năm 2030, và 80% năm 2045.

Ngân hàng dè dặt

Một khảo sát mới đây của Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm hiện nay đều sử dụng phần vốn tự có để đầu tư, thực hiện các giải pháp TKNL.

VECEA cho biết, 140 cơ sở được khảo sát đều e ngại khi phải kết nối với ngân hàng vì thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian công sức mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được, do đó họ lựa chọn dùng vốn tự có để đáp ứng tiến độ đầu tư.

Trong khi, những dự án đầu tư thay đổi công nghệ lại mang tính thời điểm, nếu không nhanh, công nghệ tiếp tục thay đổi, đến lúc được ngân hàng phê duyệt cho vay có thể đã trở thành lạc hậu...

img

Công tác kiểm tra thay thế thiết bị điện luôn được ngành điện quan tâm

Hai Ngân hàng thương mại đã được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương lựa chọn tham gia Dự án TKNL cho ngành Công nghiệp Việt Nam (VEEIE) là Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB).

Theo cam kết và quy trình quản lý dự án, Ngân hàng phải chịu rủi ro về tín dụng và có trách nhiệm đánh giá, thẩm định, phê duyệt cho khoản vay đối với các dự án TKNL, lãi suất cho vay theo cơ chế thị trường, quy trình và điều kiện cho vay… tuy nhiên, đây là điều chưa có trong tiền lệ, do yêu cầu thuộc yếu tố chuyên môn kỹ thuật nên việc hỗ trợ cần nhiều thời gian, ngân hàng không thể chủ động, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng cao cấp, ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá, ngoài khó khăn về năng lực của các bên, thì khó khăn lớn nhất là tài chính.

Theo ông Thi, hiện, ưu tiên TKNL chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách năng lượng. Nhà nước cần ưu đãi hơn tài chính, và các gói chính sách để DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, ví dụ từ quỹ khí hậu xanh, các tổ chức tài chính ngư WB và ADB. Hiện cơ chế tài chính chưa cho phép các DN tiếp cận các nguồn vốn này. “Muốn thúc đẩy thị trường TKNL&HQ, cần sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng và các DN”, ông Thi khẳng định.

Sẽ thí điểm vận hành Quỹ hỗ trợ thúc đẩy TKNL

Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng các công cụ và giải pháp mới trong lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ bao gồm: Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp có các dự án về sử dụng năng lượng TK&HQ; Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ theo hướng xã hội hoá…

Do đó, theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ nhằm hỗ trợ các hoạt động của công ty Công ty dịch vụ năng lượng, nghiên cứu các công cụ tài chính như bảo lãnh vốn, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thực hiện;

Nghiên cứu đề xuất các công cụ tài chính hỗ trợ hoạt động thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn;

Cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua Công ty dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO) cho các dự án tiết kiệm năng lượng và có tính khả thi về tài chính nhưng thiếu vốn ban đầu và đang tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy đầu tư TKNL thông qua các hình thức đa dạng khác nhau bao gồm đầu tư mạo hiểm, vốn tự có, thuê tài sản, tín dụng carbon, quỹ bảo lãnh tín dụng và trợ giúp kỹ thuật...

Về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, VNEEP 3 cũng đã tính đến việc thí điểm xây dựng và vận hành Quỹ hỗ trợ thúc đẩy TKNL. “Bộ Công thương đang phối hợp Bộ Tài chính, xây dựng quỹ thí điểm này để trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong thời gian tới”, ông Vũ nói.

Nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ

Ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương đánh giá, Luật sử dụng năng lượng TK&HQ đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi sử dụng năng lượng TK&HQ là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng...

Tuy nhiên, tính tuân thủ Luật còn nhiều hạn chế, có hiện tượng doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng TK&HQ; Thực hiện kiểm toán năng lượng; Hoặc thực hiện một cách hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước...

Do đó, ông Đặng Hải Dũng, đã nhấn mạnh nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung cụ thế.

Đó là, với các chính sách liên quan đến quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ tại cơ sở sử dụng năng lượng (Điều 32, 33 và 34 Luật sử dụng năng lượng TK&HQ) sẽ phải cần xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng;

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay;

Đặc biệt, quy định chi tiết hơn (bắt buộc) về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải; Và tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương và tăng cường công tác hậu kiểm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.