Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ, anh từng nhận hàng chục email, văn bản hù dọa khi làm "Tinh hoa Bắc Bộ" |
Vụ việc tranh cãi về vấn đề bản quyền chương trình thực cảnh giữa ông Đào Hồng Tuyển – chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú vẫn chưa đi đến hồi kết. Ai đúng - ai sai đều chưa tỏ tường. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Hoàng Nhật Nam, Tổng đạo diễn của vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" về vấn đề này.
Vở “Tinh hoa Bắc Bộ” bị tố vi phạm bản quyền của “Thuở ấy xứ Đoài” (đạo diễn Việt Tú) khi sử dụng lại toàn bộ “hệ sinh thái” của vở trước (chất liệu văn học, không gian hiện hữu với cây cối, nhà Thủy đình..). Ý kiến của anh thế nào về chuyện này?
Tôi đã bị “tố” từ hơn 3 tháng nay, trước khi bắt tay dàn dựng chương trình, chứ không phải bây giờ. Những ai trực tiếp xem và thưởng thức vở diễn bằng tâm hồn rộng mở, dù họ đã được xem hai tác phẩm sẽ có những cảm nhận tốt đẹp cho cả hai. “Tinh hoa Bắc Bộ” khác mọi thứ từ tư duy nghệ thuật của đạo diễn, cách kể chuyện, ngôn ngữ hình ảnh, cách dàn dựng, dẫn dắt bằng âm nhạc.
Một số điểm chung bắt buộc phải có thuộc về chất liệu dân gian của kho tàng văn hóa dân tộc thì không thể không dùng trong một show diễn về văn hóa dân gian mà tôi được nhà đầu tư đặt hàng. Trong văn bản đạo diễn “Thưở ấy xứ Đoài” kiện tôi, có cả nội dung tố tôi đạo nhái rối nước, đạo nhái nông dân diễn cảnh làm đồng, đạo nhái ý Thiền sư Từ Đạo Hạnh…
Tôi đã có khẳng định bằng văn bản rằng những chất liệu ấy thuộc về dân gian, lịch sử. Cả nước diễn rối nước, cả nước ta từ xưa lấy nông nghiệp làm chính, đất chùa Thầy lấy câu chuyện về Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Nhưng tôi sử dụng ở nội dung gì, cách xử lý chất liệu và đưa vào vở diễn như thế nào, dàn dựng, bố cục ra sao, với thông điệp gì thì mọi người đã thấy rõ sự khác nhau.
Về hệ sinh thái và thiết kế cảnh quan, tôi không có trách nhiệm trả lời mà tập đoàn Tuần Châu sẽ có ý kiến việc việc này. Vi phạm bản quyền hay không sẽ có cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Không phải ai nói to hơn là có thể lấn át được dư luận! Mà tôi nói thật, “hệ sinh thái” mà tôi được nhà đầu tư bàn giao để làm show này làm tôi phải mất rất nhiều tâm tư để thay đổi theo tư duy của mình. Tôi ước giá như tôi có thể có một “sân khấu” trống để tự mình kiến tạo.
"Tinh hoa Bắc Bộ" biểu diễn trên nền không gian thực cảnh của "Thuở ấy xứ Đoài" trước đó. |
Một số chi tiết khác như sử dụng diễn viên bản địa, kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại… của “Tinh hoa Bắc Bộ” từng được thực hiện trong “Thuở ấy xứ Đoài”. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có dụng ý?
Việc sử dụng diễn viên bản địa tham gia trình diễn không mới. Ở một số nước xây dựng chương trình thực cảnh đầu tiên như Trung Quốc đã sử dụng diễn viên bản địa để tiết kiệm chi phí, cũng như toát lên cái hồn mộc mạc của địa phương. Chất liệu dân tộc thì không sở hữu ý tưởng làm của riêng. Hiện ở Hà Nội hay toàn quốc cũng đã có nhiều show diễn khác lấy chất liệu dân tộc nhưng với những cách khai thác xử lý khác nhau. Âm thanh ánh sáng thì mỗi vở diễn theo đường dây ý tưởng khác nhau nên càng không giống nhau về cách xử lý.
Đây không phải là trùng hợp hay dụng ý gì cả, mà là câu chuyện: Tôi nhận lời mời từ tập đoàn Tuần Châu để viết và dàn dựng một kịch bản biểu diễn thực cảnh với sân khấu sở hữu của tập đoàn Tuần Châu, và được biết show diễn thử nghiệm trước đó đã chấm dứt vĩnh viễn. Nói cách khác, tôi đã đến khảo sát “nhà hát” ngoài trời của tập đoàn Tuần Châu. Việc của tôi là bắt tay xây dựng nội dung vở diễn mang tên “Tinh hoa Bắc Bộ”. Tập đoàn Tuần Châu đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của tôi khi đặt bút ký hợp đồng với tôi.
Anh từng chia sẻ, mình tiếp cận với vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” khi đã ở giai đoạn thứ 2, tức là đã có vở diễn trước thử nghiệm nhưng sau đó tập đoàn Tuần Châu thông báo ngừng hẳn để xây dựng lại một vở diễn khác, kịch bản mới. Vở diễn sử dụng lại không gian, kiến trúc của vở cũ, nghĩa là anh đã lường trước có thể gặp rắc rối về vấn đề bản quyền nhưng vẫn làm?
Thật ra với những cơ sở pháp lý từ Tuần Châu đưa ra đối với show cũ và sáng tạo hoàn toàn mới thì tôi chẳng có gì băn khoăn về tác quyền.
Tôi nhiều lần từ chối dự án này vì thật sự không muốn làm người trong nghề phải thấy tổn thương. Đạo diễn cũ dù sao cũng có thâm niên nghề nghiệp hơn tôi. Tôi được phân tích, giải thích, thuyết phục nhiều lần. Cuối cùng, tập đoàn Tuần Châu thông báo vở diễn cũ đã có quyết định đóng lại vĩnh viễn. Buộc phải sáng tạo vở mới để tiếp tục hoạt động.
Một cảnh trong vở Tinh hoa Bắc Bộ |
Tôi nhận làm vì ân tình với ông Đào Hồng Tuyển chứ không vì lợi nhuận. Lợi nhuận của dự án này đối với tôi thực sự không hấp dẫn bằng những dự án khác mà công ty tôi hiện đang làm. Với tôi, “lợi nhuận” lớn nhất là được trải nghiệm sân khấu thực cảnh có sự đầu tư nghiêm túc, được nhìn thấy niềm vui của hàng trăm diễn viên bị gián đoạn, được thăng hoa với nghệ thuật đúng nghĩa.
Trong quá trình thực hiện, anh làm những gì để tránh những sự giống nhau so với vở trước đó?
Tôi đã xem vở “Thưở ấy xứ Đoài” trọn vẹn, đó là một vở diễn với ý tưởng chủ đạo của “Người rối, Rối người” – lấy các tích trò rối nước dẫn dắt từ đầu đến cuối với các cảnh diễn của diễn viên. Hàm lượng tích trò rối nước chiếm 100% nội dung.
Khi bắt tay vào xây dựng “Tinh hoa Bắc Bộ”, dĩ nhiên tôi phải tránh xa mọi thứ liên quan đến cái trước đó. Nội dung thì ngay tên gọi đã định hình 2 hướng đi khác nhau quá rõ ràng. Một kịch bản đi sâu vào tính địa phương của xứ Đoài, một kịch bản đi vào khái quát cả một vùng văn hóa rộng lớn. Nội dung thể hiện qua buổi công diễn giới chuyên môn đã thấy quá rõ, tôi không giải thích thêm nữa. Video ghi hình trọn vẹn 2 show diễn tập đoàn Tuần Châu cũng đang nắm, nếu không vì lý do show diễn bán vé hàng đêm thì chúng tôi đã chuyển báo chí đăng toàn bộ 2 show để đạo diễn cũ không vất vả lên tiếng nữa.
Những gì trên sân khấu Tinh Hoa Bắc Bộ đã khác hẳn sân khấu cũ. Show diễn được làm một cách quang minh chính đại. Chúng tôi bày biện ra trước công chúng và truyền thông mà, có ai lấy được của ai? Mà nói thật, vở diễn bị ngưng thì tại sao tôi phải sử dụng? Tôi lại chột dạ nghĩ hay do show diễn được đón nhận quá mà đạo diễn cũ lại muốn phải giống của anh ấy?
Tôi có một sân khấu và tôi đã làm khán giả phải trầm trồ cho từng màn biểu diễn, lưu luyến khi ra về, cùng với việc đơn vị đặt hàng cho tôi là Tuần Châu hài lòng là tôi thấy an tâm rồi.
Vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài" bị dừng lại mà không có lời giải thích nào trước khi "Tinh hoa Bắc Bộ" ra mắt |
Được biết, Tinh Hoa Bắc Bộ đã được đăng ký bản quyền tại Cục tác quyền. Anh có thể tiết lộ vấn đề bản quyền của tác phẩm này?
Quyền tác giả là của tôi, quyền sở hữu tác phẩm là đồng sở hữu giữa tôi và nhà đầu tư.
Việc bị tố vi phạm bản quyền có gây tác động gì tới anh hay vở diễn?
Những khó khăn làm tôi và ekip phải nỗ lực hơn. Show diễn đã được đón nhận nồng nhiệt và tôi thấy có vẻ như thánh tổ Từ Đạo Hạnh và vùng đất này đã đón nhận và thương yêu tôi. Còn việc bị tố vi phạm bản quyền, tôi không băn khoăn hay bị tác động gì vì tôi có lấy gì của ai, sao tôi phải băn khoăn?
Kể từ lúc bắt tay dàn dựng, tôi đã nhận được hàng chục email và văn bản luật hù dọa đủ các cấp độ từ nhắc nhở, cảnh cáo, đến tố cáo trực tiếp gửi các cơ quan có thẩm quyền như Cục bản quyền tác giả, các sở Văn hóa TT&DL Hà Nội và cả TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí, phía đạo diễn cũ còn trực tiếp gửi văn bản, gọi điện, nhắn tin trấn áp các đồng nghiệp trong giới, đối tác của tôi phụ trách về biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế lập trình ánh sáng, các đơn vị thiết kế và thi công sân khấu.
Đại ý rằng: Không được tham gia hợp tác với đạo diễn Hoàng Nhật Nam làm dự án Tinh hoa Bắc Bộ. Dự án đó do đạo diễn cũ đang sở hữu về mặt bản quyền tác giả, nếu tiếp tục tham gia sẽ bị thế này thế nọ và có khả năng bị kiện. Trong giới râm ran lời đồn “Đạo diễn cũ gom chợ khoanh sông, bao vây tứ bề” để làm khó Tuần Châu và chính đạo diễn Hoàng Nhật Nam.
Và cho đến nay khi show diễn đã đi vào vận hành hàng đêm, tôi vẫn đang tiếp tục bị làm khó khi phải trả lời báo chí đây.
Cảm ơn anh!
Tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Thuở ấy xứ Đoài” tại Sài Sơn - Chùa Thầy. Đây là vở diễn do Tập đoàn Tuần Châu là chủ đầu tư. Vở diễn lấy bối cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, diễn viên là 140 người nông dân tại Sài Sơn. Tuy nhiên, sau 10 buổi công diễn, “Thuở ấy xứ Đoài” bị dừng diễn mà không có bất cứ lời giải thích nào. Ngày 28/10, Tập đoàn Tuần Châu công bố vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, diễn ra trên không gian sân khấu thực cảnh của vở diễn”Thuở ấy xứ Đoài” trước đó. Vở diễn được BTC giới thiệu là “sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam” và có mức đầu tư lên tới 500 tỷ đồng. Theo ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu, “Tinh hoa Bắc Bộ” là ý tưởng mà ông ấp ủ từ 6 năm trước. Trong buổi họp báo ra mắt vở diễn mới, ông Tuyển lý giải: “Thuở ấy xứ Đoài” phải dừng lại là vì “không chạm được vào trái tim khán giả”. Trong khi ông Tuyển cho biết ý tưởng của vở diễn cũ là của mình thì đạo diễn Việt Tú cũng khẳng định ý tưởng về vở diễn sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam là của mình. Việt Tú chia sẻ, chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ" đã sử dụng toàn bộ "hệ sinh thái" anh tạo dựng cho "Thủa ấy xứ Đoài". Anh cũng cho biết, nhà đầu tư đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có một lời giải thích nào với anh, thậm chí đến giờ, nhà đầu tư vẫn nợ tiền anh và nhiều nghệ sĩ khác. Chia sẻ trên Dân trí, đạo diễn Việt Tú giải thích: "Vở diễn của tôi được ra mắt vào tháng 6 năm 2017, được cấp bản quyền từ tháng 8 năm 2016. Điểm đặc sắc nhất của vở diễn là tôi lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, khung cảnh làng quê Bắc Bộ tái tạo nguyên gốc, 140 nông dân biểu diễn trên mặt nước, nhà thuỷ đình 10 tấn nhô lên từ mặt hồ, vở diễn là sự kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại". Theo đó, anh cho biết vở "Tinh hoa Bắc Bộ" đã kế thừa vở trước toàn bộ từ sân khấu, từ quần áo, động tác múa, biểu diễn trên mặt nước, đào tạo người dân thành diễn viên, âm nhạc dân gian… |
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận