Showbiz

Đạo diễn Đức Thịnh làm phim giang hồ ở một tầm "xịn sò" khác biệt

10/07/2020, 06:00

Đức Thịnh khẳng định, dòng phim về giang hồ của anh làm có cách truyền tải khác biệt so với nhiều phim khác.

img
Đạo diễn Đức Thịnh

Dù đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư hạch nhưng đạo diễn Đức Thịnh vẫn tâm huyết với dự án đêm nhạc “Tình K bốn mùa”. Dự kiến, mỗi tháng sẽ có một đêm nhạc được tổ chức để quyên góp cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn tại Viện K Tân Triều, Hà Nội.

Sai lầm vì không học hành bài bản

Bị bệnh nhưng vẫn làm dự án để gây quỹ thiện nguyện, hẳn anh phải đối diện với những vấn đề sức khỏe?

Cũng mệt đấy vì tôi phải tự lo mọi thứ, nhưng tôi làm trong ngành tổ chức sự kiện nên mọi thứ đã quá quen rồi. Lần này, anh em nghệ sĩ và bạn bè cũng hết mình giúp đỡ. Các nghệ sĩ như Quang Hà, Đức Hiệp… tham gia đều không lấy cát-sê. Địa điểm tổ chức cũng được người ta tài trợ.

Có vẻ, anh rất được mọi người quan tâm?

Những ngày qua, tôi nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi động viên của bạn bè và khán giả. Sự quan tâm của mọi người làm tôi sống lại thời Sơn “Sọ” của "Đội đặc nhiệm nhà C2”. Đó là cảm giác khiến mình được trở lại với tuổi thơ, được mọi người yêu mến quan tâm khi phim phát sóng.

Ngày xưa, cứ chiếu phim xong là mấy đứa C21 lại phải đi ra đường, hẹn nhau đạp xe khắp phố bởi mấy anh em đều biết mình đang nổi tiếng. Nỗi khi thấy trường tan học, mấy anh em lướt qua một cái, cả trường lại nhốn nháo (Cười lớn).

Đám trẻ con cứ ùa ra rồi đuổi theo sau. Bước vào quán chè, quán phở là chúng tôi được ăn miễn phí, vì có rất nhiều người vào theo. Họ chỉ cần ăn và ngồi nhìn chúng tôi, không cần nói chuyện. Nhiều chủ quán muốn mời chúng tôi đến bằng được, trong khi mấy đứa chúng tôi chỗ nào mời cũng đi vì đâu phải trả tiền.

Hoạt động nghệ thuật hơn 20 năm nhưng mọi người chỉ nhớ tới anh với vai Sơn “Sọ”. Có phải sự nổi tiếng quá sớm đã khiến anh tự mãn mà quên sự phát triển?

Không phải tự mãn mà hồi đó còn bé nên suy nghĩ của tôi rất đơn giản. Tôi nghĩ rằng như thế là nghệ sĩ, nổi tiếng rồi và cứ thế là nổi tiếng mãi. Tôi hoàn toàn không hề tinh tướng.

Nhớ lại thời những năm 1998, diễn viên chính như chúng tôi được trả 2 triệu cho 5 tập phim. Còn những người vai thứ chính là 1,8 triệu, trong khi tôi đi làm MC vào những năm 2000 mới được 45.000 đồng/tối. Vậy mới thấy, số tiền 2 triệu không hề nhỏ. Bác đạo diễn bảo chúng tôi đáng lý phải được nhiều hơn, nhưng tôi còn bé nên đưa bao nhiêu nhận tần đó. Kể cả không đưa tiền, có khi tôi vẫn thích.

img
Đức Thịnh trong vai Sơn Sọ trong Đội đặc nhiệm nhà C21

Nghe nói, gia đình từng không ủng hộ anh tham gia nghệ thuật?

Bố mẹ tôi khi đó đang kinh doanh thành công nên muốn các con nối nghiệp. Anh trai tôi đã theo thể thao nên về phần tôi, bố mẹ kỳ vọng lớn và muốn tôi theo nghề của gia đình.

Tôi nhớ có buổi tối bố bắt tôi ngồi sửa máy khâu. Tôi chợt nghĩ mình đang đi hát nổi tiếng, đi diễn cũng có tiền mà tại sao tự dưng phải nhem nhuốc với dầu mỡ, máy móc thế này. Thế là, tôi lên nhà xách đồ bỏ đi. Tôi bỏ nhà ra đi như thế vài lần để muốn chứng minh bản thân mình, nhưng chỉ đi 3-4 ngày lại về vì không chỗ nào “chứa” (Cười lớn).

Lâu dần, bố mẹ tôi chẳng buồn nói nữa. Đến giờ này, tôi biết bố vẫn không thích vì sự nghiệp của tôi lận đận. Bố từng nói với tôi rằng: “Hồi đó bố nói mày là đúng. Đến giờ phút này, gần 40 tuổi mà mày vẫn chưa làm được gì cả, chưa khẳng định được gì”. Tôi thấy bố nói đúng, nhưng chỉ là một phần thôi. Quả thực, tôi đã không nghĩ rằng nghệ thuật phải được đào tạo quy củ. Mình nghĩ đơn giản là có năng khiếu, có tài là được chứ không cần đào tạo. Đó là sai lầm lớn.

Có bao giờ anh tiếc nuối vì con đường mình đã lựa chọn?

Chưa hề! Tôi chỉ tiếc mình đã làm nhiều công việc từ ca hát, sáng tác, tổ chức sự kiện, đóng phim… nhưng lại thiếu sự học hành đàng hoàng, bài bản. Không có nền tảng nên tôi bị bơ vơ, cái gì cũng biết nhưng không chuyên sâu về cái gì. Hồi đó, thay vì thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi lại thi ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Thi được vòng đầu, tới vòng hai thì tôi ngủ quên. Từ đó, con đường học vấn dừng lại. Tôi còn nghĩ đơn giản rằng, mình chỉ cần đi kiếm tiền là được, có nhiều show là sẽ có tiền nhưng không phải.

Người ta đánh đồng phim giang hồ của tôi

Anh có từng chạnh lòng khi thấy các nghệ sĩ đồng trang lứa nổi tiếng và thành công?

Thực ra, nổi tiếng hay không là nhờ may mắn, giống như ngày xưa khi tôi nổi tiếng với “Đội đặc nhiệm nhà C21” vậy. Có những người bây giờ nổi tiếng nhưng chuyên môn rất tệ.

Đức Thịnh sinh năm 1982 ở Hà Nội. Anh nổi tiếng qua vai Sơn “Sọ” trong bộ phim “Đội đặc nhiệm nhà C21”. Anh từng có thời gian tham gia ban nhạc của ca sĩ Jimmii Nguyễn và có nhiều sáng tác nổi tiếng như Sao em mãi khóc, Người không biết yêu, Trăm năm không quên... . Từ năm 2013, anh hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, sản xuất phim.

Hiện tại, Đức Thịnh đang bị ung thư hạch giai đoạn 2, thể xơ nốt - Ung thư Hogkin và đang trong phác đồ điều trị 1 với chu kỳ 4 lần xạ trị.

Thế nên, quan trọng là nổi tiếng nhưng có trụ được lâu dài không. Luật đào thải của nghệ thuật rất khắc nghiệt, nổi lên rồi có thể xuống luôn. Chỉ có những người có đào tạo, có đam mê nhiệt huyết thì giờ họ đã thành những ngôi sao hạng A, bao nhiêu năm vẫn có chỗ đứng. Dù vậy, mình không phủ nhận những người đã nổi tiếng sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Sao anh không chuyển hướng sang làm phim chiếu rạp để dễ nổi tiếng, lại đi làm phim Youtube?

Ước mơ của tôi là làm phim chiếu rạp đấy! Hai bộ phim mà tôi tự hào về chất lượng hình ảnh nhất là “Gã giang hồ” và “Dòng máu giang hồ”. Hai phim đó có chất lượng đảm bảo có thể chiếu rạp, nhưng lỗ nặng, không đủ tiền trang trải kinh phí. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận vì muốn thử sức mình.

Anh làm phim nhiều phim về giang hồ. Dòng phim gây tranh cãi lắm, anh nghĩ sao?

Ngày xưa, tôi mê dòng phim Hong Kong vì có những phim truyền tải thông điệp ý nghĩa. Phim của tôi cũng hơi hướng như vậy nhưng vấn đề là hiện này, có nhiều người chỉ đưa máy quay ra quay cảnh đánh nhau loạn lên, rồi gọi đấy là phim giang hồ.

img
Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng, phim về giang hồ của anh được đầu tư kỹ với ê-kíp là những người có nghề, được học hành

Phim của tôi bị quy lại như thế. Ê-kíp của tôi được đào tạo về kỹ năng chuyên môn làm phim, đều là những người tốt nghiệp từ trường Sân khấu - Điện ảnh ra. Họ cùng tôi truyền tải những vấn đề xã hội, nhưng lại bị quy là phim giang hồ. Nhưng tôi không giải thích vì khán giả đang phê phán vấn đề phim giang hồ, mà phim của tôi nói về giang hồ nên phải chấp nhận thôi. Tuy nhiên, nếu xem kỹ mọi người sẽ để ý cách tôi truyền tải khác hoàn toàn những phim khác. Có lẽ sau này tôi sẽ rút kinh nghiệm về những vấn đề mình truyền tải.

Người ta tranh cãi vì lo lắng trẻ con xem sẽ bị ảnh hưởng. Cá nhân anh có cho các con của mình xem những phim đó không, và anh có định hướng các con mình theo nghệ thuật giống bố mẹ?

Tôi có 2 cháu, một bé 6 tuổi và một bé 4 tuổi. Theo bản năng, các bé không xem những phim như vậy đâu! Nói phim bố làm thì biết thế, rồi chúng lại bật kênh khác.

Còn hiện tại, tôi vẫn đang theo dõi các cháu và thấy các cháu chưa bộc lộ năng khiếu về bộ môn nào. Tôi không ép các con phải theo đuổi cái gì mà để khi các con lớn hơn, các bé thích gì tôi sẽ để ý và định hướng. Nếu thấy con đã thích điều gì, tôi sẽ ép để con vào guồng ngay.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.