Không ngại định kiến
Cảm xúc của chị thế nào khi "Mưa trên cánh bướm" đang chiếu tại rạp Việt?
Trước khi phim chiếu ở Việt Nam, thành thật tôi cũng khá run đấy. Dù bộ phim mang đề tài khá quen thuộc, gần gũi như ngoại tình, bất đồng giữa các thế hệ, sự mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình… nhưng cách thể hiện của tôi có chút khác biệt. Tôi chọn kết hợp giữa thể loại hài đen, thêm yếu tố kinh dị nhẹ nhàng cùng các hình ảnh có tính ẩn dụ.
Ngoài ra, còn có định kiến về dòng phim tác giả, phim đoạt giải ở các LHP là khó xem, khó cảm, chậm… Tôi xác định từ đầu là khán giả sẽ có sự ngần ngại nhất định khi tiếp cận phim.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đưa được phim đến với khán giả, tôi có niềm tin những cảm xúc chân thành trong phim sẽ chạm đến mọi người. Điều đó đã được minh chứng trong những ngày công chiếu đầu tiên, bên cạnh đồng nghiệp, có rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.
Có phản hồi tích cực nhưng cũng không tránh được bình luận tiêu cực, chị đón nhận bình luận ấy với tâm thế ra sao?
Tôi đón nhận bình luận một cách nhẹ nhàng. Khán giả Việt Nam khiến tôi ngạc nhiên và biết ơn. Họ rất thông minh và tinh ý khi nhận ra các chi tiết tôi cài cắm trong phim.
Trên mạng xã hội, khán giả bình luận về những chi tiết ẩn dụ còn hay, chi tiết và đầy đủ hơn chính tôi nữa (cười). Tôi cũng xúc động khi đọc nhiều bình luận ấm áp của khán giả.
Nghệ thuật phản ánh cuộc sống
Phim của chị chứa nhiều hoài niệm, nỗi đau và những ẩn ức của người nữ. Phụ nữ trong ý niệm và trải nghiệm của chị đều không hạnh phúc vậy sao?
Với tôi, nghệ thuật luôn phản ánh cuộc sống. Tôi cũng cố gắng đi tìm những người phụ nữ thật sự hạnh phúc, tự do tự tại, không bị ràng buộc bởi những thứ trách nhiệm, định kiến hay áp lực ngoại cảnh, nhưng những người phụ nữ như vậy không nhiều.
Không chỉ phụ nữ, cả đàn ông. Đã vậy họ còn mất kết nối với nhau. Tôi không nghĩ có nhiều người trong xã hội hiện đại thực sự hiểu được ý nghĩa của hạnh phúc.
Chị có nỗ lực đi tìm hoặc định nghĩa hạnh phúc của một người phụ nữ qua tác phẩm của mình?
Tôi dùng tác phẩm của mình như một chiếc gương soi chứ không phải một chuyên gia phân tích tâm lý đang đưa ra lời khuyên cho khán giả.
Tôi muốn đặt câu hỏi, để người phụ nữ tự soi chiếu vào bản thân mình. Mỗi người có vấn đề của riêng họ, không có công thức nào giải bài toán hạnh phúc cho tất cả mọi người. Tôi hy vọng phim có thể là một cú hích.
Khi khán giả quan sát cách giải quyết vấn đề vừa đáng thương vừa đáng trách của nhân vật, họ có thể có câu trả lời và tìm ra con đường dẫn đến hạnh phúc của riêng mình.
Giải thưởng không phải là đích hướng tới
Khi làm "Mưa trên cánh bướm", chị nghĩ mình làm phim cho ai?
Từ những bộ phim ngắn trong 10 năm qua, đến "Mưa trên cánh bướm", tôi luôn làm phim cho mình và cho khán giả.
Làm phim cho mình vì những vấn đề trong phim cũng chính là những gì tôi quan tâm, kiếm tìm ở ngoài đời thực. Làm phim cho khán giả là nhu cầu đơn thuần của người làm nghệ thuật.
Những giải thưởng đối với tôi chưa bao giờ là cái đích cuối cùng. Cái đích của tôi là sự kết nối với khán giả.
Điều đó có khiến chị áp lực khi làm phim nghệ thuật?
Áp lực của tôi không đến từ bộ phim hay những yếu tố ngoại cảnh. Tôi là người luôn muốn đổi mới, khám phá những thứ ngoài vùng an toàn, phá bỏ những khuôn mẫu. Mỗi khi cảm thấy mình đang hơi trì trệ, gò ép, tôi sẽ tìm cách để thoát ra.
Với tôi, áp lực không phải là việc liệu trong tương lai mình có thành công tương tự như bây giờ không, mà liệu mình có dám thử những thứ chưa từng làm, chấp nhận những rủi ro mới hay không. Tôi nghĩ về nó như động lực để tìm tòi, sáng tạo, phát triển bản thân.
Đánh đổi "vùng an toàn"
10 năm làm nghề, một nửa thời gian đó chị dành cho "Mưa trên cánh bướm", chị đã phải đánh đổi những điều gì?
Tôi phải đánh đổi vùng an toàn của mình. Trong phim, có những yếu tố có lẽ tôi của 10 năm trước chỉ dám mơ ước. Lúc viết kịch bản và dự các workshop về kịch bản phim, có rất nhiều câu hỏi về lựa chọn kể một câu chuyện qua hai góc nhìn của cả mẹ và con gái, hay việc đưa những yếu tố kinh dị vào phim nhưng chẳng chịu đi theo công thức phim kinh dị.
Trong quá trình thực hiện phim, tôi cũng trải qua hành trình làm mẹ. Cái tôi phải đánh đổi là cảm giác luôn có lỗi với một trong hai thứ: Lúc ở bên con, thỉnh thoảng nghĩ về phim, khi tập trung làm phim, lại lo mình đang bỏ lỡ giây phút bên con.
Tôi nghĩ đây là khó khăn chung của những người phụ nữ thời đại, khi phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của xã hội về sự nghiệp, gia đình. Hiện, tôi đã thả lỏng được rồi, mình chỉ cần sống thật trọn vẹn từng khoảnh khắc là được.
10 năm qua, chị có cơ hội học tập tại nhiều nước trên thế giới. Có khi nào chị nghĩ mình đã bỏ lỡ điều gì ở quê nhà không?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình rời khỏi Việt Nam hoàn toàn, tôi vẫn đi về suốt. Có thời điểm tôi ở một mình tại Sài Gòn trong hai năm. Tôi luôn muốn làm phim ở Việt Nam, về con người và văn hóa Việt Nam. Chúng ta có quá nhiều chất liệu hay để đưa lên màn ảnh.
Việc sinh sống và làm việc ở nước ngoài giúp tôi có cái nhìn khách quan hơn, để quan sát, nhận ra những chi tiết trong đời sống thường ngày rất thú vị mà có khi nếu ở trong nó lâu ngày mình sẽ dễ bị bỏ qua mất. Bây giờ, tôi khá vui với những gì mình đã làm được.
Cảm ơn chị!
Dương Diệu Linh sinh năm 1990, tại Hà Nội. Cô từng từng học điện ảnh tại Singapore, đã ra mắt rất nhiều phim ngắn như: "Mother, Daughter, Dreams", "Ngọt, mặn", "Chuyện săn giai", "Thiên đường gọi tên"… Hiện, cô đang học thạc sĩ ngành Điện ảnh và Viết sáng tạo tại Canada.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận