Hoa hậu Hoàng Phương có thể diễn vai hài
Táo Xuân năm nay được đánh giá cao so với mặt bằng chung của Táo Tết. Tuy nhiên, tôi chưa hiểu ý tưởng tuyến tính 3 nhân vật Hằng Nga. Liệu có phải anh cố "đo ni đóng giày" cho hoa hậu Hoàng Phương vào một vai hài trong năm mới?
Tôi lấy ý tưởng từ một chương trình truyền hình thực tế có 3 mentor hay đấu đá nhau để đưa vào Táo Xuân. Cùng đó là nhiều gia đình Việt Nam có "Tam đại đồng đường" cùng sống chung, có những tranh luận, tư tưởng rất khác nhau nên đó là ý tưởng mình cài cắm đưa vào.
Còn việc Hoàng Phương tham gia Táo Xuân với vai trò diễn viên thì chúng tôi cũng có khá lo lắng, nhưng cô ấy cũng thể hiện được cái sự nhiệt huyết và rất ham học hỏi cũng như có một tính cách rất hài hước trong đời thường. Vì thế khi vào vai, tập kịch, cô ấy nỗ lực rất nhiều để có những nét diễn tự nhiên.
Anh nghĩ Lê Hoàng Phương có nên lấn sân sang làm diễn viên hài?
Lê Hoàng Phương là một trường hợp thú vị! Tôi thấy được năng lượng đam mê ở cô ấy. Hoàng Phương vui vẻ, hóm hỉnh. Cũng ngạc nhiên là cô ấy rất hợp với nữ hoàng nhan sắc nhưng lại phù hợp cả với diễn viên hài.
Ca sĩ Cẩm Ly có than phiền về vấn đề trang phục của Táo Xuân thì mình có dự tính thay đổi trang phục cho dàn Táo?
Bộ trang phục Thiên Hậu của ca sĩ Cẩm Ly là một thiết kế mới, đúng là hạn chế của phục trang là quá nặng, cồng kềnh. Lợi thế là tạo sự hoành tráng, uy nghi tuy nhiên làm cho những diễn viên có thể trạng nhỏ bé như ca sĩ Cẩm Ly sẽ cảm thấy không được thoải mái và đủ sức khoẻ để diễn vì họ buộc lòng phải gồng lên để chịu những sức nặng đó. Sang năm chúng tôi sẽ có những tạo hình nhẹ nhàng, dễ chuyển hơn.
Anh nghĩ sao khi các chương trình Táo hay được đặt lên bàn cân để các nhà tài trợ book quảng cáo, dân tình khen chê?
Mỗi chương trình đều có những đối tượng khán giả riêng khác nhau. Những năm qua Táo Xuân cũng đã có thương hiệu riêng của mình và làm tốt ở sứ mệnh truyền thông, truyền đi những thông tin tích cực hay phản ánh những vấn đề xã hội một cách hóm hỉnh, nhẹ nhàng.
Tôi nghĩ đôi khi mình cứ làm tốt công việc của mình đi, cứ xem như một sản phẩm hoàn chỉnh có những giá trị nhất định trong đó. Tôi chỉ sợ bị so sánh với các phiên bản chương trình Táo Xuân các năm trước nên áp lực cứ mỗi năm phải khai thác, ý tứ câu chuyện khác nhau để khán giả không bị nhàm chán.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Hai vợ chồng đứng giữa 2 chiến tuyến”
Tết năm nay gia đình anh có nhiều điều thay đổi không?
Như thường lệ kế hoạch vẫn như mọi năm không có gì thay đổi. Trước Tết tôi về với gia đình ở Đà Nẵng đi tảo mộ, gặp gỡ bà con trao tặng quà Tết, trang hoàng nhà cửa, đưa mẹ đi du Xuân, đi sắm Tết, thăm bà con họ hàng xong sẽ vào lo cho nhà cửa, công ty ở Sài Gòn.
Tôi quan niệm, việc hương hoả của một người đàn ông trong gia đình rất quan trọng. Tết phải có hoa mai, hoa đào, cúc mâm xôi, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ qủa ngày Tết, bánh, mứt dù sau này mình không còn ăn nhiều nhưng bao giờ cũng phải đầy đủ để tạo ra không khí ngày xuân.
Những khoảnh khắc đó làm cho sự giao cảm, tâm linh, nhớ ơn đến cội nguồn của mình để các con cảm nhận được Tết cổ truyền như thế nào để các con lớn lên sẽ cảm nhận được những điều tương tự. Chiều mùng 1 Tết, tôi đưa cả gia đình quay lại Đà Nẵng và sau đó quay lại Sài Gòn.
Tôi không có thói quen bỏ hết Tết để đi du lịch nước ngoài mà cảm nhận Tết là dịp mình ở đâu đó trong gian nhà của mình gắn với không gian rất cổ truyền.
Thấy anh chị nhiều khi bất đồng quan điểm việc nuôi dạy con, nhất là Annie có xu hướng theo nghệ thuật?
Annie rất thích nhảy múa, ca hát học rất nhanh dù chưa qua trường lớp. Rất nhớ bài khi được diễn thời trang nên có thiên hướng về nghệ thuật. Hiện nay hai vợ chồng đều đứng giữa 2 chiến tuyến. Tôi ủng hộ cho tài năng thiên bẩm, bộc phát vì mỗi người đều có khuynh hướng, thiên hướng phát triển nào đó trong một lĩnh vực mà nếu được đi đúng hướng họ sẽ toả sáng hơn.
Còn bà xã của tôi thì không cho con lấn sân vào con đường nghệ thuật vì những vấn đề, những drama không dễ dàng gì để tồn tại cho nên có những áp lực riêng nên hai người vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Có vẻ anh chị vẫn đang thế ... giằng co?
(Cười) Hai vợ chồng tôi pha trộn vẫn là truyền thống, hệ tư tưởng rất cũ nhưng chưa bao giờ lỗi mốt cả. Tôi thuộc tuýp người truyền thống nên dạy con về cội nguồn, lòng biết ơn, lễ phép, sự quan tâm, lời ăn tiếng nói.
Tôi là người đàn ông của gia đình dĩ nhiên cũng có cập nhật hiện đại, lắng nghe để con có sự tự do nhất định trong tư duy, dám chịu trách nhiệm với những điều mình làm. Chia sẻ một cách thẳng thắn, thoải mái, sẵn sàng tha lỗi cho những sai lầm, khích lệ tinh thần của con.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận