Đạo diễn Lê Lâm, Giám đốc nghệ thuật trường điện ảnh Pháp IDHEC |
Chất lượng liên hoan phim phụ thuộc vào các phim tham dự
Xin đạo diễn cho biết chất lượng các bộ phim tham gia Haniff 2014 năm nay?
Rất tiếc là tôi không có đủ thời gian để xem hết các bộ phim tham gia LHP năm nay. Tuy nhiên ở hạng mục phim ngắn và một số bộ phim dài tôi đã xem thì chất lượng rất cao. Tôi đã giật mình bởi các bạn trẻ thực sự tài năng. Vì vậy khi phát biểu trong trong buổi khai mạc LHP, tôi đã đề nghị có ít nhất 2 giải thưởng cho hạng mục này.
"Tôi thấy có những bộ phim bạo lực, hỗn loạn, tranh đấu giữa các phe phái được xây dựng bắt chước các phim nước ngoài. Nhiều người nước ngoài không biết về nước ta, khi xem những bộ phim ấy sẽ đánh giá rằng xứ mình quá hỗn loạn. Mà sự thật đâu có như vậy". Đạo diễn, biên kịch Lê Lâm - Giám đốc Nghệ thuật, giáo sư trường Điện ảnh Pháp IDHEC |
Tôi thấy cái quan trọng trong LHP năm nay không phải là có ít hay nhiều phim của Việt Nam tham gia tranh giải mà quan trọng là những phim ngoại quốc mà chúng ta chọn có chất lượng cao hay không? Nếu các phim tham gia LHP có chất lượng thì Haniff sẽ dần khẳng định vị thế, tên tuổi. Qua đó, những người làm điện ảnh Việt Nam cũng có cơ hội được học hỏi, có thêm động lực sáng tạo nghệ thuật...
Đạo diễn đánh giá như thế nào về LHP Haniff ?
Tôi theo dõi Haniff từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2010. Tuy nhiên, hai chương trình trước không có gì suất sắc vì những loại phim mà Haniff chọn có chất lượng không cao. Tuy nhiên, đến năm nay thì chất lượng phim đã tiến bộ rất rõ.
Mặc dù Haniff có những bước tiến tuy nhiên sự phát triển này mới chỉ là bước đầu. Chúng ta bây giờ mới bắt đầu trưởng thành và sẽ còn chặng đường rất dài phía trước.
Trên thực tế, rất nhiều đạo diễn khi làm phim tính thời gian sao cho lúc dựng xong có thể gửi tham dự các LHP, giải thưởng. Vì phim được thưởng hay được tham dự liên hoan cũng là một cách để mọi người biết đến mình, đặc biệt là lọt vào "mắt xanh" các nhà phê bình quốc tế.
Ban giám khảo LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III |
Buồn vì nhiều phim Việt không có hồn Việt
Ông đặc biệt quan tâm đến hồn Việt trong các bộ phim do Việt Nam sản xuất, ông có tìm thấy điều này trong các phim tham dự Haniff?
Tôi muốn tìm trong phim Việt Nam tâm hồn của người Việt. Tuy nhiên điều đó tôi chưa thấy.
Hiện nay, tôi thấy có những bộ phim bạo lực, hỗn loạn, tranh đấu giữa các phe phái được xây dựng bắt chước các phim nước ngoài. Theo tôi điều đó là không phù hợp bởi nó không có trong thực tế. Thậm chí điều này còn gây hại, những người nước ngoài không biết về nước ta, khi xem những bộ phim ấy sẽ đánh giá xứ mình quá hỗn loạn. Mà sự thật đâu có như vậy.
Điều khiến tôi đau lòng là một số phim thị trường, thương mại hiện nay đang bị Mỹ hoá, Âu hoá. Nhiều đạo diễn Việt kiều ở nước ngoài về làm phim rất thành công. Tôi công nhận là kỹ thuật điện ảnh, nghệ thuật giỏi, nhưng không tìm thấy tâm hồn Việt trong các tác phẩm của họ. Có thể lấy ví dụ như các bộ phim về thế kỷ XVI – XVII ở nước ta, trong 1 căn nhà như túp lều mà người cha vào phòng con lại gõ cửa, hỏi ý kiến có thể vào được không, điều này là rất phi lý và phi thực tế.
Haniff 2014 có nhiều phim gắn mác 16+, theo đạo diễn số lượng nhiều như vậy là chạy theo thị hiếu của người xem hay là nhu cầu của cuộc sống?
Theo tôi, cũng có thể nói một phần là chạy theo xu hướng của người xem. Nhưng vấn đề đáng nói là một số đạo diễn Việt làm phim thương mại, thị trường đang nhầm lẫn giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Họ tưởng là phim kỹ thuật càng cao càng có giá trị nghệ thuật càng nhiều. Đó thực sự là nhẫm lẫn lớn!
Nghệ thuật có thể chỉ là những bộ phim đen trắng, nhưng có sự sáng tạo, ý tưởng tốt. Chứ không nhất thiết phải có phần hậu kỳ đắt tiền.
Tôi thấy phần nghệ thuật của phim Việt hiện nay còn yếu. Nghệ thuật là cái tượng trưng cho tinh thần, tâm hồn, phản ánh những thứ thuần tuý của nước ta, trong con người chúng ta. Nếu xem phim Việt mà thấy những hình ảnh, vấn đề chẳng khác gì nước ngoài thì còn gì đặc biệt, còn gì là dấu ấn.
Một bộ phim tôi coi như là tấm gương, làm sao để chúng ta nhìn vào, thấy hình ảnh, cuộc sống, xã hội của chính mình trong đó mới là thành công. Tới thời điểm hiện nay, đã có 1 số phim của các đạo diễn như Nhuệ Giang, Đặng Nhật Minh… đạt được điều đó. Khi tôi xem phim cuả họ, tôi đã khóc vì xúc động, vì thấy được những tâm hồn Việt trong từng hình ảnh. Tuy nhiên con số này rất ít.
Đánh thuế phim thị trường để bảo trợ phim nghệ thuật
Hiện nay, có một số bộ phim làm về lịch sử Việt Nam, được đầu tư với kinh phí rất cao, nhưng khi ra rạp lại ế khách. Đạo diễn nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ vấn đề ở đây là vấn đề của chính sách. Các cơ quan chức năng không lo đến vấn đề phát hành. Ở Pháp có loại phim nghệ thuật (phim tác giả) do nhà nước bảo trợ. Tiền bảo trợ được lấy từ việc đánh thuế rất nặng các loại phim nước ngoài, phim thị trường.
Họ có những rạp để chiếu những phim nghệ thuật lâu dài, dù có 5 -10 người đến rạp cũng không sao, nhà nước chấp nhận bảo trợ. Để có thể thấy rằng nếu phim thực sự hay người xem có thể truyền tai nhau và tìm đến rạp mà không cần phải chi nhiều tiền cho quảng cáo. Bản thân tôi đã được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi đó.
Có làm được như vậy các đạo diễn của chúng ta mới có thể thoải mái sáng tạo, mang đến cho khán giả những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lê (thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận