Đạo diễn Quang Dũng nêu 6 nguy cơ phía sau trong cuộc "nội chiến" phim ảnh Việt. |
Từ lâu, mối quan hệ tương sinh lẫn tương khắc của các nhà phát hành phim trong nước vẫn đang ngầm diễn ra với mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng. Chỉ đến khi bộ phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” của VAA, đại diện là Ngô Thanh Vân xuất hiện nó mới trở thành giọt nước làm tràn ly khi VAA và BHD (đơn vị phát hành chính của phim) quyết không nhún nhường trước mức chèn ép doanh thu từ đơn vị sở hữu nhiều cụm rạp nhất hiện nay là CGV (thuộc tập đoàn CJ, Hàn Quốc).
Xung quanh những tranh cãi này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có những chia sẻ góc nhìn của mình.
Trên trang cá nhân của mình, Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng viết về nguy cơ phía sau trong cuộc "nội chiến" phim ảnh Việt, chúng tôi sau đây xin tóm tắt lại thành 6 nguy cơ đáng lưu ý.
Nguy cơ thứ nhất: Rạp chiếu phim cũng như siêu thị, nơi bán hàng hay còn gọi là hệ thống phân phối hàng hoá. Khi địa phương, vùng, đất nước, nội địa không cầm trịch hệ thống phân phối thì hàng hoá của nội địa sẽ lép vế với các mặt hàng của người cầm trịch hệ thống phân phối ấy.
Nếu chúng ta không phải là người sản xuất thì ta thường vô tư đi. Vì miễn hợp lý là tôi mua. Thuận mua vừa bán, ngon bổ rẽ mà, cứ canh tranh thì người tiêu dùng có lợi. Chúng ta đã nghĩ vậy, làm vậy nhiều năm nay, chúng ta ra nông nỗi này.
Nguy cơ thứ hai: Nhưng người Nhật, người Hàn, Trung Quốc, châu Âu, họ nghĩ khác khi họ mở cửa và giao du, hợp tác với Mỹ. Họ luôn ý thức bảo hộ doanh nghiệp nội địa bằng nhiều cách. Tất nhiên, họ không ép cho Mỹ bỏ đi. Nhưng họ luôn tìm cách cho các doanh nghiệp nội địa phát triển đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, để cán cân phân phối hàng cân bằng hoặc nội địa nhỉnh hơn.
Nguy cơ thứ ba: Doanh nghiệp nội địa quan trọng cho bản xứ: Việc làm, tiền thuế, họ phải bảo vệ nơi đó, vì đó là bản địa. Còn doanh nghiệp nước ngoài thì tiền chảy về nước họ, vị trí ngon cũng về họ, xương để mình gặm (dù đôi khi kẻ làm công như mình gặm xương mà tưởng ăn cỗ vì quen khổ) có biến thì họ cũng "dông" thôi, tìm chỗ ngon ăn hơn để kiếm ăn.
Nguy cơ thứ tư: Nói chung chú nào mạnh thì cũng ép chú khác thôi. Kinh doanh mà, mấy chú yếu yếu phải liên kết lại cho cân chú mạnh. Quy luật sinh tồn. Nên Mỹ người ta mới có Hiệp hội nghề nghiệp đề ra luật bảo vệ nhau. Nên Mỹ đã bỏ chuyện Công ty phát hành với Rạp chung một tụ vì sẽ lũng đoạn. Và vì sao người ta ép mình. Vì sao "nơi phân phối hàng" ép các nơi phân phối khác và các nhà sản xuất.
Vì người ta cần xây dựng quyền lực. Nếu anh chơi với tôi thì anh có ăn, còn anh chơi với máy đứa yếu anh sẽ tèo. Và cán cân sẽ lệch, nếu không có luật chống độc quyền, chống kẻ mạnh hãm hiếp kẻ yếu.
Nguy cơ thứ năm: Cuộc chiến của các rạp khiến cái tôi sợ là gì? Mấy doanh nghiệp Việt Nam ngày nào đó mệt mỏi, phía doanh nghiệp Trung Quốc dư tiền nhảy vô mua hết thì coi như xong. Mà ông CGV buồn buồn cũng có ông Trung Quốc trả giá cao mua lại thì rất mệt. Chuyện đó bình thường mà, kinh doanh ai mua giá cao thì bán, như Mega Star bán cho CJ, hay khổ quá thì bán cho nhẹ người. Nên là cán cân phải đều. Phải kiếm ăn được mà không thâu tóm.
Nguy cơ thứ sáu: Hàng nội địa cố gắng làm tốt để con người tiêu dùng mới có thể bảo hộ. Nhà nước bảo hộ thì mới xây dựng được doanh nghiệp, người sản xuất phát triển và làm tốt để còn có cơ mà đủ lớn và cạnh tranh.
Status trên của đạo diễn Dũng "Khùng" nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận. Chia sẻ của vị giám khảo Vietnam Idol giúp khán giả có thêm nhiều khía cạnh để hiểu hơn về vấn đề rạp chiếu phim hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận